Stress “bào mòn” công nhân - Kỳ cuối: Bốc thuốc cho căn bệnh

09/11/2010 08:10 GMT+7

Thạc sĩ Đào Thị Duy Duyên, tác giả đề tài “Vấn đề stress của công nhân ở một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM”, cho biết những rối loạn thể chất, tinh thần, tâm lý ảnh hưởng không chỉ sức khỏe của công nhân, mà còn làm giảm năng suất lao động khiến người sử dụng cũng thiệt hại.

>> Kỳ 1: Lạc trong vòng luẩn quẩn

Các tổ chức đoàn thể chăm lo, bảo vệ công nhân và nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng cần bắt tay vào việc đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ để giải quyết vấn đề này.

Chủ - thợ đều thiệt

Thạc sĩ Duyên cho biết công nhân làm việc theo ca khác nhau nhất là ca đêm đều than phiền bị nhức đầu, viêm bao tử, huyết áp cao cùng các chứng bệnh tim, suyễn, đau nhức khớp xương. Nguyên nhân là có sự xáo trộn về mặt sinh học trong cơ thể gây ra do giờ giấc làm việc bất thường, trái với tự nhiên.

Khi bị rối loạn tâm lý, tinh thần do stress trong công việc, người công nhân sẽ lo âu, trầm cảm, bất mãn với công việc, có thái độ tiêu cực hay bất cần. Họ sẽ có các thay đổi về hành vi sinh hoạt như có thể uống rượu, dùng thuốc cấm, hút nhiều thuốc lá, vắng mặt tại công ty, sống thụ động, sống buông thả tại nơi trọ, bỏ các sinh hoạt trong cộng đồng...

Stress sẽ “bào mòn” khiến công nhân rơi vào tình trạng kiệt sức, bẳn tính, kém chịu đựng, cảm thấy bất lực. Những tình trạng đó khiến họ có nguy cơ bị tai nạn và thương tích rất cao. Mặc khác, việc công nhân thiếu tích cực dễ ảnh hưởng đến tập thể, “căn bệnh” lây lan và cả dây chuyền kém hiệu quả.

Ông Củ Phát Nghiệp - chủ tịch công đoàn Công ty Pou Yuen (Q.Bình Tân), nơi sử dụng hàng chục ngàn công nhân và có chế độ cho công nhân khá tốt - thừa nhận công nhân làm việc vất vả, thu nhập thấp, đời sống khó khăn dẫn đến bị stress là chuyện đang xảy ra.

Nguy cơ trở thành khuynh hướng

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy đánh giá: Công nhân có mức độ làm việc cao, thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực trong công việc và đời sống nên dễ dẫn đến nguy cơ bị stress.

Nếu không có những hướng giải quyết kịp thời chuyện stress cho công nhân thì hệ quả không chỉ ảnh hưởng một người mà cả nhóm người, trở thành khuynh hướng và lan rộng thành chuyện nan giải của xã hội, làm suy giảm hiệu quả sản xuất của nền kinh tế.

Việc công nhân tăng ca với cơ thể mệt mỏi vừa gây hại sức khỏe công nhân vừa gây lãng phí cho công ty. “Khi công nhân đã làm 8 giờ, tăng ca thêm 2 giờ nữa thì chắc chắn 2 giờ đó không hiệu quả bằng trước đó vì họ đã mệt rồi, năng suất giảm. Như thế sẽ gây ra sự kém hiệu quả, hao hụt cho cả hai phía” - ông nói.

Doanh nghiệp và xã hội phải vào cuộc

Ông Củ Phát Nghiệp cho rằng công nhân có mức thu nhập đủ sống, có khả năng dành dụm, có thời gian giải trí và học hành thì họ mới gắn bó lâu dài với công ty, đóng góp sáng kiến có lợi cho công ty. “Đó mới là cách quản lý văn minh và thông minh”, ông nói.

Ông Nghiệp cho biết hằng tuần Pou Yuen phối hợp với các tổ chức hỗ trợ công nhân, đoàn thể xã hội tổ chức các buổi sinh hoạt kỹ năng sống, tìm hiểu kiến thức về sức khỏe dinh dưỡng, cách sống tiết kiệm hợp lý để có dư... và đều nhận được sự quan tâm của đông đảo công nhân. “Tôi nghĩ đã đến lúc các công ty cần phối hợp với xã hội để chăm lo tốt hơn đời sống công nhân, bởi nếu để chuyện stress của công nhân diễn ra thì không tốt cho cả hai phía”, ông Củ Phát Nghiệp nói.

Bà Phạm Thị Trang, giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, nhìn nhận từ trước đến nay đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn, tẻ nhạt. Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân thời gian qua đã được các tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp chú ý đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.

Để giúp công nhân tìm hiểu và đối phó một cách căn cơ với stress, đòi hỏi chính bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp phải xây dựng các chương trình tham vấn tâm lý định kỳ cho công nhân. Đó cũng là nơi để doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể lắng nghe ý kiến, tâm tư của công nhân mình từ đó tìm cách “gỡ rối” phù hợp cho họ.

“Chẳng hạn công ty cần đưa ra kế hoạch sản xuất rõ ràng để người lao động hình dung, sẵn sàng tâm lý làm việc, tránh những căng thẳng do làm việc mà không biết khi nào dứt. Chuyện khó hơn nữa là cần có chế độ lao động, tiền công hợp lý để cải thiện đời sống công nhân, về lâu dài phải làm tốt việc này nếu không muốn xảy ra tình trạng bất lợi cho hai bên” - ông Huỳnh Ngô Tịnh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, cho biết. Ông Tịnh cũng cho rằng công nhân ít tiền nên cần xã hội hỗ trợ để tổ chức nhiều hoạt động giải trí miễn phí cho họ.

Quỹ hỗ trợ công nhân và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM cho hay từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ công nhân về các mặt tham vấn tâm lý, sức khỏe, bán hàng giảm giá, vui chơi giải trí... Nhưng lãnh đạo hai đơn vị này bày tỏ dù có cố gắng đến đâu vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của rất đông công nhân tại TP.HCM.

Lâu nay người ta hay tưởng stress chỉ có ở giới lao động trí óc. Trên thực tế, công nhân, những người lao động chân tay, cũng stress nặng nề và do đời sống thấp, ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế nên căn bệnh của họ càng trở nên trầm trọng. Vấn đề này cần được xã hội quan tâm đúng mức để không tiếp tục gây ra những hệ quả xấu khác.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.