Làm ơn nói ít lại!

27/09/2007 23:26 GMT+7

Xem phim Việt Nam, cả phim nhựa lẫn phim truyền hình, và nếu chú ý, sẽ thấy người-Việt-Nam-trong-phim sao mà nói nhiều. Ở nhiều cảnh lẽ ra đòi hỏi diễn xuất để diễn tả nội tâm, tình cảm, tình huống..., thì người ta lại thấy diễn viên chỉ toàn... nói. Nói đủ rồi là cúp luôn cái rụp, không cần dây dưa lưu luyến, không cần để cho những tình cảm vừa được "đọc lên" ấy kịp tìm ra cách ngấm vào người xem.

Chàng - nàng đang trong cuộc chia tay, đâu có thiếu cách để tỏ bày niềm vấn vương đau xót, vậy mà chỉ nghe họ "kịch nói" cả một lô những thứ mà vào lúc đó chẳng mấy ai quan tâm, hoặc "kịch nói" một xúc cảm mà người xem không cách gì tìm thấy trong cử chỉ, ánh mắt hay ngôn ngữ cơ thể của họ. Tại diễn viên không đủ tài? Hay bởi đạo diễn chọn cách tiếp cận khán giả theo kiểu ấy? Hãy nhớ rằng, trong hàng ngàn phim hay nước ngoài, với hàng ngàn tình huống khác nhau, nhân vật của họ đều để lại những ấn tượng đầy ám ảnh không phim nào giống phim nào.

Có khi đạo diễn dành cả khoảng lặng dài chỉ để khán giả được lắng đọng vào những bước chân đang xa dần xa dần bỗng bị hụt đi... Bởi vì, với họ, mỗi nhân vật đều được cá thể hóa trong mỗi số phận, mỗi tình huống, không bao giờ là sự đại khái hóa một cách quá thô thiển, nhàm chán. Trong nhiều phim Việt Nam, khán giả chỉ "trông thấy" diễn viên đang "diễn" chứ rất hiếm khi "tìm gặp" được nhân vật đang "sống". Nếu diễn viên chỉ biết nói thì khán giả sẽ chỉ biết nghe thôi, làm gì còn có chuyện xúc động hay đồng cảm... 

Trong những phim truyền hình nhiều tập thời gian gần đây, bệnh nói nhiều hình như đã lên đến đỉnh điểm. Khán giả có thể chẳng cần phải tốn công nhìn vào màn hình, chỉ nghe bằng tai thôi, cũng đã quá thừa để biết rằng chuyện phim đang có những gì. Nói, nói và nói. Càng diễn ít thì càng nói nhiều. Nói những lời quá dài dòng, mà ngay trong đời sống, những người biết tiết kiệm thời gian cũng sẽ lược bớt đi. Huống gì là trong phim. Và phim lại là Nghệ thuật của hình ảnh.

Từng có rất nhiều phim nước ngoài mà tiếng nói hầu như không còn vai trò đáng kể. Hình ảnh, ưu tiên hình ảnh, và tất nhiên bằng diễn xuất đạt nhất của diễn viên, câu chuyện có thể đi thẳng vào trái tim khán giả chẳng cần qua cầu nối ngôn ngữ, chẳng cần lời diễn giải thừa thãi nào. Ngôn ngữ thường được sử dụng rất tiết kiệm, trong những tình huống chẳng đặng đừng. Có nói ngàn lần câu "em yêu anh" mà mắt ráo hoảnh, mặt cứng đơ thì vẫn cứ là diễn viên đang "cố diễn" chứ không phải nhân vật đang đắm đuối trong tình cảm, làm sao hy vọng khán giả bị cuốn vào mạch chuyện, nói chi đến một nhân vật đầy ấn tượng...

Ngay cả trong kịch sân khấu có tính ước lệ cao, lời nói cũng được giản lược tối đa để khán giả dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ. Vậy trong phim ảnh, nếu cứ tiếp tục nói nhiều, nói dài những lời vô nghĩa, thì liệu phim ảnh có còn đúng với tên gọi Nghệ thuật của hình ảnh?

Camera

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.