Sinh viên... VIP

16/09/2005 22:43 GMT+7

Không phải lận đận như nhiều sinh viên ở tỉnh khi lên thành phố trọ học - gian nan đi tìm nhà trọ, đối đầu với bao vất vả, khó khăn; có những sinh viên tuy cũng ở tỉnh, nhưng chỉ cần vào đại học ở thành phố, đã được hưởng thụ không thiếu thứ gì từ bố mẹ đài thọ như nhà ở, xe xịn; thậm chí còn có cả người ở để phục vụ.

 

Vừa đậu đại học dân lập ở Đà Nẵng, N.T.T.Y (quê ở Gia Lai) lập tức được bố mẹ "hỗ trợ" ngay một căn nhà hai tầng xinh xắn trong một con kiệt (hẻm) đường Hoàng Diệu. Căn nhà không chỉ gần trường, mà còn thuận tiện đi lại bởi ngay trung tâm đường phố. Đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, bếp gas, máy giặt, giường xịn, tivi, đầu máy, máy vi tính nối mạng... Nói "túm lại" không hề thiếu thứ gì như hồi ở nhà. "Là con gái, đi học hành xa nhà đã khổ lắm rồi, bắt nó thuê nhà nữa làm sao đặng. Thôi cố gắng "nhịn" ăn uống một chút, mua nhà cho nó để yên ổn mà học tập", mẹ Y. tâm sự. Không chỉ mua nhà, Y. còn được thuê hẳn một ôsin chuyên giặt giũ, chợ búa, nấu ăn, lau dọn nhà cửa để Y. chỉ "chuyên tâm" vào việc học. Chưa hết, Y. còn được sắm ngay một “con Spacy” mới cáu "để tiện đi lại". Nhìn Y. không ai nghĩ là sinh viên bởi mỗi ngày một kiểu trang phục, chỉ riêng một bộ trang sức vàng trắng mà Y. mang trên người đã hơn 15 triệu đồng, chưa kể áo quần giày dép toàn đồ hiệu, tiền bạc lúc nào cũng rủng rẻng trong túi. Ngoài giờ học, Y. còn dành thời gian để chăm sóc sắc đẹp ở các thẩm mỹ viện. Nhìn Y., không ít sinh viên thòm thèm lẫn ganh tỵ. Nhưng điều đáng nói là Y. rất ít bạn bè trong lớp, có bạn sinh viên ngại chơi, có bạn không thèm chơi vì cho là "chảnh chọe". Những sinh hoạt trong lớp Y. cũng khó tham gia vì không tài nào hòa đồng được. Sức học trung bình mặc dù được trang bị đầy đủ từ thiết bị hiện đại đến tài liệu không thiếu thứ gì, vì vậy Y. cũng không làm cho bạn bè cùng lớp nể. Cũng may, tuy được trang bị vật chất đến kín kẽ răng, Y. không sa đà vào các tệ nạn ăn chơi như những bạn trẻ khác, duy chỉ có một việc là sang năm học thứ 2, Y. cặp kè với một sinh viên nam cùng quê, khác trường đại  học,  không  bao  lâu  cùng dọn về ở chung trong nhà với Y., sống như cặp vợ chồng trẻ...

 

 Đậu vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cả gia đình S. sung sướng không thể kể, thôi thì thứ gì con muốn, cha mẹ đều chiều S. xem như là thưởng cho con đã đậu vào đại học. Không chỉ mua nhà, mua xe xịn cho S. vi vu, cha mẹ còn trợ cấp tiền như nước cho S. tha hồ tiêu xài và mua... tài liệu học tập. Năm đầu tiên bước chân vào đại học, S. được coi như là một sinh viên ngoan ngoãn, cha mẹ S. vô cùng yên tâm vì cậu quý tử của mình. Đùng một cái, S. bị công an phát hiện trong một lần đánh bài cùng với nhiều sinh viên khác. S. cùng các bạn tổ chức đánh bài tinh vi đến độ thuê hẳn phòng ở khách sạn Đông Hưng (P.Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), với số tiền lên đến bạc triệu và dùng cả vàng để đánh bài. Nếu không có vụ trấn lột của 3 thanh niên xông vào phòng khách sạn cướp đi của nhóm bạn S. 7 chỉ vàng cùng 8 triệu đồng thì hành vi đánh bài của S. cũng không bị phát hiện. Cha mẹ S. thì ngã ngửa vì từ trước đến giờ đặt trọn niềm tin vào con cái mình, vậy mà chính con mình lại tham gia tổ chức bài bạc như những tay anh chị máu mặt. Có năm, tại Trường ĐH DL Duy Tân Đà Nẵng đã có 6 sinh viên bị cảnh cáo trước toàn trường vì tham gia đánh bạc.

 

Cũng ngoan ngoãn và hiền lành khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, H. là sinh viên ngoại tỉnh nhưng cũng được cha mẹ "ráng cho bằng chị bằng em", chu cấp đầy đủ không thiếu thứ gì từ nhà cửa đến tiền bạc. Trong khi bạn bè ngoại tỉnh cùng lớp đi dạy thêm, làm thêm để trang trải cho việc học, thì H. lại "nướng" thời gian của mình vào các dịp sinh nhật, nhảy nhót, đi chơi xa... Không sa đà vào các tệ nạn xã hội, nhưng H. có "tiếng" là phóng khoáng, xài tiền như nước. Đến năm thứ 3, gia đình H. làm ăn thua lỗ, kinh tế gia đình sa sút trầm trọng, không có nhiều tiền để chu cấp cho H. Đang quen tiêu xài tiền như nước, sợ bẽ mặt với bạn bè, H. lại bắt mình đi theo con đường khác. H. trở thành "bồ nhí" của một ông trạc tuổi cha mình, đã có vợ để có tiền tiêu xài hoang phí như trước. Bị vợ của "bồ" đánh ghen, việc học của H. càng ngày càng xuống dốc và cuối cùng, em đặt dấu chấm hết cho mình khi nhà trường gửi đến gia đình H. quyết định buộc thôi học. Quãng đời sinh viên của H. khép lại, để lại đằng sau sự nuối tiếc của bạn bè H. bởi H. vốn thông minh, nhanh nhạy trong việc học tập.

 

Bước vào quãng đời sinh viên, có nghĩa các em đang bước vào giai đoạn cuộc sống độc lập, thử thách trước khi hoàn thiện mình, chuẩn bị cho công việc tương lai. Việc trang bị cho các em một cơ sở vật chật đầy đủ để khỏi vướng bận, yên tâm đầu tư cho việc học là điều mà mỗi phụ huynh đều mong muốn. Nhưng đừng vội cho các em bắt đầu cảm giác hưởng thụ quá sớm, bởi như vậy, quyết tâm và nghị lực của các em sẽ không có cơ hội để phát huy. Nên gửi vào hành trang của con em mình niềm tự hào, ý chí vượt qua mọi khó khăn để trui rèn mình; hơn là phủ lên các em những thứ vật chất phù du bởi tuổi trẻ rất dễ bị cuốn vào những cám dỗ...

 

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.