Sự thật về chuyện đói của đồng bào Rục, Mã Liềng

16/10/2006 23:29 GMT+7

*Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty công nghiệp - thương mại MASAN (TP.HCM) cứu trợ đồng bào trị giá 100 triệu đồng Chuyện đói của đồng bào dân tộc ở các bản Mò o ồ ồ, Ón, Yên Hợp, Cáo... thuộc hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, vừa qua được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Nhất là sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tỉnh Quảng Bình phải kiểm tra và cứu đói cho dân.

Để tìm hiểu thực hư chuyện đói của đồng bào Rục, Mã Liềng trong khi chính quyền địa phương không thừa nhận chuyện này, phóng viên Thanh Niên đã có chuyến đi thực tế tại miền tây Quảng Bình và tổ chức cứu trợ cho đồng bào nơi đây.

Đi cứu trợ được "bảo vệ"

Ngày 14.10, đoàn phóng viên chúng tôi (gồm nhiều báo, từ miền Trung và cả Hà Nội) cùng với một số doanh nghiệp mang gạo, bột ngọt, muối vào cứu trợ đồng bào Rục ở các thôn Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Trước khi đi, đoàn đã liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình và văn phòng đã cử một xe ô tô đưa một cán bộ chuyên viên đi cùng. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi bất ngờ là khi xe bắt đầu rẽ vào bản thì có đến 2 xe ô tô con mang biển số xanh chạy ngược ra, sau đó có một chiếc chạy vào lại. Tại bản Ón, các cán bộ UBND xã, công an xã và lực lượng biên phòng đã đứng chờ rất đông. Chúng tôi làm việc với chính quyền thôn rồi tỏa đi thăm hỏi bà con. Đến nhà nào cũng có ít nhất hai anh bộ đội biên phòng theo sát. Đoàn đã đưa danh sách cho đại diện biên phòng nhưng một nhóm vẫn bị kiểm tra giấy tờ khi thăm nhà dân. Bà con thì lảng tránh những câu hỏi, người trả lời cũng rất sợ sệt, phải quay mặt đi chỗ khác với ánh mắt lo lắng, hồ nghi...

Đến bản Ón ...

Khi chúng tôi có mặt tại bản Ón, trời đã xế chiều. Bản làng vắng tanh một cách lạ thường. Trước đó, mỗi lần có người hoặc xe lạ vào bản là bà con ra cả ngoài sân đứng nhìn, vẫy chào. Anh Trần Xuân Tư, phó thôn rụt rè nói: "Mấy hôm nay, bà con đỡ đói vì có gạo cứu trợ của mọi người". Anh xác nhận: "Hai năm nay bà con bị mất mùa, thực sự mất mùa. Năm 2005 bị mất trắng, bà con chỉ có một ít sắn và bắp để ăn nhưng cũng chỉ được 2 tháng. Phải đi đào củ mài, bắt nòng nọc để ăn. Vì hai cơn bão xảy ra liên tiếp nên bà con ở đây càng khó khăn hơn. Nước lũ ngập sâu, chia cắt nên mọi người không đi mô được, phải nhịn đói, sau đó có đến mượn một ít gạo của trạm biên phòng. Trên xã, họ cũng biết bà con đói. Mấy cơn lũ trước không có phát gạo. Năm vừa rồi (2005) xã trực tiếp phát 2 lần, ngày 2.1.2005: 1 khẩu được 1 kg gạo, ngày 8.6.2005: 1 khẩu được 5 kg".


Chị Nguyễn Hoàng Yến, Phó Tổng GĐ Công ty MASAN trao quà cứu trợ cho đồng bào Rục

Chúng tôi gặp ông Cao Xuân Hiếu trong ngôi nhà trống huơ trống hoác, không có lấy một vật dụng đáng giá. Nhà có 7 người nằm chung 2 cái giường với những chiếc chiếu rách nát, gọi là giường chứ thực ra chỉ là 2 mành tre được kê cách nền nhà khoảng gang tay. Ông bị cảm hàn đã hơn tháng nay, không đi kiếm thức ăn được. Nhà có ít nước tóp mỡ rán để dành cho con. Ông nói: "Đói. Đói lắm. Không mần chi được hết".

Chính quyền "giấu đầu hở đuôi"

Sau khi tận mắt chứng kiến đời sống khó khăn của đồng bào Rục thuộc huyện Minh Hóa, tiếp sau đó, ngày 15.10, chúng tôi lại có mặt tại bản Cáo, thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và tình cảnh của đồng bào Mã Liềng nơi đây cũng không hơn gì đồng bào Rục.  "Họ chỉ đói gạo chứ no ngô sắn" - Đó là câu nói của ông Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, Hồ Duy Thiện khi trả lời chúng tôi. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Thiện luẩn quẩn: "Báo cáo các anh là hiện nay không có hộ đói, hộ nghèo thì có. Cũng không đến nỗi thiếu cả năm. Thực tế, họ đói gạo còn sắn khoai thì có ăn quanh năm cũng không đến nỗi phải đói, đứt bữa thì chưa có. Họ ỉ lại, không chịu làm, ăn rồi chỉ ngồi trong nhà nhìn ra...". Nhưng trước đó, ông Thiện đã thừa nhận có hộ đói và đang chờ dưới xã báo cáo lên. Trong khi đó, chúng tôi đã có trong tay tờ đơn đóng dấu đỏ của UBND xã Thanh Hóa xác nhận tình hình các hộ khó khăn sau bão số 6 như sau: Hộ đói đứt bữa: 34 với 134 khẩu, hộ thiếu ăn: 65 với 166 khẩu.

Sau khi có thông tin trên các báo, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra và cứu đói cho dân và sau đó có nhiều đoàn cứu trợ cũng đã đến với đồng bào dân tộc thuộc miền tây Quảng Bình, nên hiện tại người dân đã có gạo, mì gói, muối và nhiều nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, trước đó chuyện đói là có thật. Số người thiếu đói và đứt bữa, trước và trong cơn bão số 6, tại hai bản Mò ồ ô ồ và Ón thuộc xã Thượng Hóa là vào khoảng 460 người. Và theo chúng tôi, nếu tỉnh Quảng Bình không có một chính sách cụ thể cho đồng bào dân tộc thì số lương thực cứu trợ hiện có cũng chỉ giải quyết được cái đói trước mắt, chắc chắn không lâu sau người dân vẫn sẽ thiếu đói và đứt bữa trở lại.

Ấm lòng bản xa

Một diễn biến khác, sau khi phóng viên Phan Phương ở Báo Quảng Bình lặn lội vào thăm, viết bài phản ánh việc đồng bào Rục bị đói, Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã bắt anh viết bản giải trình. Hiện dư luận tỉnh Quảng Bình đang rất băn khoăn liệu phóng viên được khen thưởng hay bị kỷ luật?

Ngày 16.10, người dân ở các bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp của xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn còn bần thần sau những trận đói kéo dài. Với sự đồng cảm sâu sắc, Báo Thanh Niên  đã phối hợp với Công ty CP công nghiệp - thương mại MASAN (TP Hồ Chí Minh) mang 300 phần quà trị giá gần 100 triệu đồng đến trao tận tay đồng bào.

Mới 4 giờ 30 sáng ngày 16.10, đoàn xe cứu trợ tức tốc xuất phát từ thành phố Đồng Hới trực chỉ đường Hồ Chí Minh thẳng tiến. Điểm dừng chân đầu tiên là bản Ón. Trưởng thôn Cao Xuân Tình chạy vội ra đường đón với nét mặt mừng rỡ: "Rứa là bà con có gạo ăn rồi, cứ có gạo no cái bụng đã. Lâu ni đói quá, may mà có các nhà báo và công ty lên cho gạo. Bà con mừng lắm!". Rồi ông nhanh chóng chỉ đạo người đi gọi bà con của thôn đến nhận quà cứu trợ. Lúc đầu còn e ngại nhưng sau khi có lời của trưởng thôn thì mọi người tập trung đông đủ quanh chiếc xe hàng. Bọn trẻ xì xào, đuổi nhau, cười tươi như hoa rừng độ nở. Các mẹ, các chị thì chỉ trỏ: "Gạo tề, gạo tề. Có mì, kẹo và chăn nữa". Nhận quà xong, mẹ thì vác gạo, con mang mì ăn liền. Đến nhà, gói kẹo được bóc ra ăn trước. Vừa ăn vừa cười, để lộ cả cái răng sún.

Đến giờ chia tay, những cái bắt tay bịn rịn như níu giữ lòng người về xuôi.

K.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.