Bốn anh em mồ côi và số tiền trợ cấp "đi lạc"

31/10/2006 22:29 GMT+7

Từ ngày cha mẹ chết vì căn bệnh ung thư quái ác, người anh trai đi lập gia đình, Phan Văn Thắng 16 tuổi trở thành đầu tàu cho ba đứa em đang học lớp 9, lớp 6 và lớp 3. Cậu trai này đang gánh một trọng trách quá nặng, còn chính quyền xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lại thờ ơ đến vô trách nhiệm.

16 tuổi, bán than nuôi 3 em ăn học

Sau khi người cha chết vì căn bệnh ung thư phổi chưa đầy giỗ thì tai họa lại ập đến. Người mẹ sau khi đi khám nhận được tin báo ung thư vú ở giai đoạn di căn. Người đàn bà thống khổ này không còn xoay đâu ra tiền, đành nằm nhắm mắt chờ chết. Năm 2003, tức chưa đầy một năm để làm giỗ cho chồng, bà cũng ra đi, để lại 5 đứa con trong căn nhà rách nát, trống trơn và món nợ vay chưa kịp trả.

Anh trai lập gia đình, nghèo quá, đến ở rể bên nhà vợ cùng xã. Phan Văn Thắng phải ghé vai gánh trách nhiệm chủ gia đình nuôi 3 đứa em ăn học. Sau ngày bố mẹ mất, căn nhà xây cũ kỹ trống trơ, chỉ có duy nhất chiếc giường và cái bồ đựng lúa trống hoác. Cơm ăn hằng ngày phải nhờ đến tình thương của hàng xóm. Họ nghèo, nhưng cám cảnh trước nỗi bi đát của anh em Thắng, không ai khoanh tay đứng nhìn. Thắng phải bỏ học giữa chừng lớp 9, dồn cả hy vọng vào các em.

Tôi tìm đến căn nhà này. Chỉ có cậu út Phan Văn Thông ở nhà. Trên bức vách nhà, giấy khen dán rất nhiều. Ở chỗ trang trọng nhất là bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng em Phan Thị Kim Nhung (em kế sau Thắng, đang học lớp 9) với thành tích học sinh giỏi của huyện. Mấy người hàng xóm thấy có người lạ đến thì chạy sang hỏi thăm, kể chuyện. Hai đứa em đi học, Thắng sáng nay đi bán than ở tận trong Thạch Hà. Gần 12 giờ trưa, Thắng về. Tôi hỏi sao đi bán than lại đi bộ, cậu gãi gãi đầu, nói xe mượn, trả cho họ rồi. Nhà chỉ có cái xe đạp, phải để cho bé Nhung  đi học vì trường xa nhà.


Bốn anh em Thắng trước căn nhà sắp sụp vách 

Bữa cơm trưa được dọn ra trên manh chiếu. Cái nồi thức ăn chỉ còn ba con cá kho nhỏ cỡ ngón tay và một bát dưa cải muối. Thắng giục em út ăn vội để đi học, vì trường tiểu học cũng cách nhà gần 2 cây số. Bữa cơm diễn ra vội vàng. Xong, Thắng dặn dò hai đứa em công việc buổi chiều, không học bài thì ra làm vườn, đào khoai để trồng lứa khác, kiếm cái ăn. Thắng nhẩm tính cho tôi, làm ba sào ruộng, được mùa cũng bảy hay tám tạ lúa. Như mùa này, ăn dè cũng sang giáp Tết là sẽ hết cái ăn. 3 anh chị đầu đã lập gia đình cũng nghèo cả, lo ăn chưa đủ, không thể dựa dẫm được, nên phải tìm cách đối phó. Không thể bỏ nhà cho 3 đứa em để đi làm phụ hồ xa, Thắng đi đào gốc phi lao người ta đã đốn cây, đem về đốt lấy than đi bán. Tính ra tiền công, mỗi ngày cũng được cỡ chục ngàn. "Tụi em phải ráng kiếm ăn, vì ngoài ăn ra còn lo cho 3 đứa em đi học, không muốn em bỏ học giữa chừng"- cậu bé đang tuổi ăn tuổi ngủ nhẩm tính và lo liệu khiến tôi giật mình.

Số tiền trợ cấp "đi lạc" 

Bố mẹ chết, năm 2003, anh trai Thắng là anh Phan Văn Chinh làm đơn lên xã, xin cho 4 đứa em được hưởng chế độ trợ cấp 202. Tháng 1/2004, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Nghi Xuân ra quyết định cho anh em Thắng được hưởng trợ cấp thường xuyên, mức 45.000 đồng/em/tháng. Nhưng anh em Thắng không thể biết vì xã không báo về. Tháng 9 vừa rồi, đi làm ăn xa về, anh Chinh lên UBND xã hỏi. Một nhân viên kế toán sau khi mở máy tính rà đi rà lại, trả lời không có tên trong danh sách được hưởng chế độ. Hai hôm sau, anh Chinh lại lên xã hỏi thì anh kế toán trưởng bảo đã có và cho anh nhận "tạm" 1.260.000 đồng. Nghi ngờ sự minh bạch của cán bộ xã, anh Chinh lên huyện hỏi thì mới vỡ lẽ các em của anh đã được hưởng chế độ trợ cấp từ tháng 1/2004!

Hai Phó chủ tịch UBND xã Cổ Đạm thanh minh với chúng tôi: "Xã không biết địa chỉ của các cháu có tên trong danh sách được hưởng chế độ" (?!). Lý do: Năm 2003, cán bộ chủ chốt của xã đã bị cách chức hết, cán bộ mới lên thay, không có hồ sơ lưu lại nên không xác định được các cháu là con ai để chi! Thậm chí trong số 26 người được hưởng chế độ trợ cấp này, xã chỉ tìm được 20 người để trả, 4 anh em Thắng và 2 người khác không tìm ra!


Sau buổi đến trường, Phan Thị Kim Nhung còn là lao động chính kiếm cái ăn cho 4 anh em

Thế nhưng, điều tréo ngoe là nhà của anh em Thắng chỉ cách nhà ông Chủ tịch UBND xã đương nhiệm Dương Ngọc Đệ chỉ có 3 cái ngõ! Trong khi đó, ngay từ đầu xã, khi hỏi 4 anh em nhà mồ côi Thắng, người dân trong xã đều biết rất rõ và chỉ đường cho chúng tôi đến nhà. Để thanh minh xã không ăn chặn tiền của anh em Thắng, cán bộ xã đưa văn bản chứng minh với chúng tôi từ tháng 8.2006, kế toán đã không nhận từ Kho bạc Nhà nước số tiền của 6 người này vì không chi trả được. Và các vị này chỉ thừa nhận: "Chúng tôi đã vô trách nhiệm" !

Tôi hỏi Thắng, cậu nói không biết gì về số tiền này. Có lẽ, cậu chỉ biết phải làm gì kiếm tiền nuôi 3 đứa em chứ chưa hiểu được vì sao con đường đến của đồng tiền trợ cấp cho anh em mình lại "đi lạc"  như vậy.

Bài, ảnh: Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.