Không để người dân chịu cảnh màn trời chiếu đất

03/10/2006 01:32 GMT+7

Ngày đầu tiên, bạn đọc Báo Thanh Niên đóng góp gần 610 triệu đồng Đã hạn chế được tối đa thiệt hại do bão số 6 Cứu trợ khẩn các gia đình nạn nhân Hàng vạn người không nhà ở, gần 200 tàu chìm và mất tích

*Chính phủ chi khẩn cấp 50 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung * 11 người chết, 217 ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái

Sáng 2.10, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi để nghe tình hình và phương án khắc phục hậu quả bão số 6 gây ra.

Theo ông Lê Huy Ngọ - Ban chỉ huy tiền phương PCBL Trung ương, trong những ngày mưa bão, các tỉnh, thành đã kịp thời di chuyển gần 300.000 người dân sơ tán bão, trong đó có gần 100.000 ngư dân đã và đang ở trên 30.000 chiếc tàu đánh cá. Khi bão xảy ra, 108 tàu đánh cá với 990 ngư dân đã được các nước và vùng lãnh thổ cho phép lên bờ tránh bão. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động hơn 20.000 chiến sĩ và nhiều phương tiện để giúp dân di dời, đảm bảo an toàn trước và sau bão...


Hội An: Đường phố đã biến thành sông - Ảnh: Ngô Nguyễn

Tuy nhiên, do cơn bão quá mạnh, sức tàn phá dữ dội trên diện rộng nên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; đã có 11 người chết do bão, hơn 6.000 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi; hơn 211 ngàn ngôi nhà bị hư hỏng nặng, tốc mái; 19.100 nhà bị nước ngập, hơn 2.074 trường học, cơ quan bị hư hỏng; 11.000 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị cuốn trôi; 427 tàu thuyền bị hư hại, bị chìm do va đập trong khi neo đậu trú bão; 250 ha hồ đầm và 450 tấn tôm, cá bị phá hại, cuốn trôi. Theo Bộ GT-VT, QL 1A bị sạt lở nhiều đoạn nhưng vẫn đảm bảo giao thông; Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm như Thạnh Mỹ, Kon Tum gây tắc đường; các QL 8, 9, 49A, 49B có nơi bị sạt lở, có nơi bị ngập sâu cả mét. Đường sắt bị ngập 500m, sạt lở nhiều nơi khiến 22 đoàn tàu phải dừng lưu thông trong nhiều giờ. Mãi đến 12 giờ trưa 2.10, các đoàn tàu Bắc - Nam mới hoạt động trở lại. Riêng đường hàng không, 7 giờ sáng 2.10, các chuyến bay đã hoạt động bình thường. Đại diện Bộ Bưu chính - Viễn thông cho biết, 25 trạm ăng-ten bị gãy, 80% trạm, tổng đài bị tốc mái nên đã xảy ra nghẽn mạch, nhưng đã được khắc phục kịp thời vào ngày 2.10.


Bà Nguyễn Thị Tính (73 tuổi) trở về bên ngôi nhà đổ nát ở thôn Mà Mỹ, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: V.P.Thảo

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, công tác phòng chống bão đã được triển khai đồng bộ nên đã hạn chế thiệt hại về người do bão gây ra. Phó thủ tướng gửi lời chia buồn đến thân nhân người bị nạn và kêu gọi đồng bào cả nước với tinh thần "lá lành đùm lá rách" góp phần cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Theo Phó thủ tướng, thiệt hại về tài sản của nhân dân là vô cùng to lớn, hàng trăm ngàn người đã lâm vào cảnh mất nhà, rất cần được hỗ trợ kịp thời. Phó thủ tướng chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương bằng mọi cách nhanh nhất ổn định nơi ăn chốn ở cho dân, huy động mọi lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, đảm bảo an toàn cuộc sống. Đối với các hộ bị sập nhà hoàn toàn, phải hỗ trợ chỗ ở, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống. Không để người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Đặc biệt, phải khẩn trương khôi phục bệnh xá, trường học, làm sạch vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh...

Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết định hỗ trợ cho TP Đà Nẵng 20 tỉ đồng, Quảng Nam 10 tỉ, Thừa Thiên - Huế 10 tỉ, Quảng Ngãi 5 tỉ, Kon Tum 2 tỉ, Quảng Trị 3 tỉ để các địa phương trên khắc phục hậu quả.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.