Không thể cứ “bình dân” mãi !

24/10/2005 22:03 GMT+7

Không ai phủ nhận những hoạt động văn hóa giải trí có ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống, nhận thức cũng như việc học tập của sinh viên (SV). Bấy lâu nay, Đoàn và Hội tại các trường vẫn có những hoạt động lý thú và bổ ích như giao lưu ca nhạc, hội thi nữ sinh duyên dáng, hát karaoke, hội trại... nhưng chủ yếu là "tự biên tự diễn" trong khi nhu cầu thưởng thức của SV bây giờ cao hơn thế.

Văn nghệ "cây nhà lá vườn"

"Món" mà SV mê nhất vẫn là âm nhạc. Hễ nhà trường hay ký túc xá có chương trình ca nhạc nhân dịp lễ nào đó là SV kéo đến chật ních hội trường, háo hức chờ đón những giọng ca... tiềm ẩn của bạn bè. "SV hát cho SV nghe thì rất vui, nhưng thỉnh thoảng bọn em thót cả tim khi mà câu hát đang lên bỗng... tắt nửa chừng, vì lên cao quá! Hoặc có bạn hát sai nhạc, sai lời, rồi thì... hổn hển đuổi cho kịp nhạc", Xuân Anh - khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm kể bằng giọng hài hước khi nhớ lại Hội thi tiếng hát SV toàn trường. Còn trong một đêm giao lưu ca nhạc nọ, khi một bạn gái xinh đẹp vừa thánh thót cất giọng ca bài Cô gái vót chông vừa tự múa minh họa thì... oạch, đôi guốc cao gót bị trượt trên sân khấu do di chuyển với động tác múa quá gấp gáp ! Còn, còn vô số những màn trình diễn bị "khớp" khiến cho bạn bè được dịp thêu dệt nhiều giai thoại "để đời".

Có một điều cũng rất đáng nói là các bài hát được thể hiện trong các chương trình ca nhạc SV không được tuyển chọn kỹ lưỡng gây lệch lạc cho gu thưởng thức âm nhạc của SV. Thường là SV thích gì hát nấy, những ca khúc truyền thống hào hùng thỉnh thoảng lại bị "trộn" lẫn với những bài não tình thườn thượt. Nếu thông qua các chương trình giao lưu ca nhạc, Đoàn, Hội định hướng cho SV cách nghe nhạc thì sẽ bớt đi phần nào những trào lưu mê những loại nhạc mà dư luận phê phán hiện nay. 

SV cũng có nhu cầu thưởng thức cao

Đạo diễn Hồng Yến, một người đã từng dàn dựng nhiều chương trình văn hóa giải trí cho HS-SV đang làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM nói: "Tôi rất tâm huyết trong việc tổ chức các chương trình giải trí cho SV. Các em xưa nay cứ quen thưởng thức những chương trình "cây nhà lá vườn", vui nhiều đấy vì được xem và nghe bạn bè mình hát nhưng chưa đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của các em. Chính vì thế, Câu lạc bộ dẫn chương trình Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM và tôi sẽ phối hợp với nhau để mỗi năm tổ chức ít nhất 10 chương trình giao lưu - ca nhạc dành cho SV các trường ĐH. Khách mời là các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Địa điểm có thể là ngay tại trường hoặc tại Nhà văn hóa Thanh niên". Tính chuyên nghiệp không phải là tiêu chí đầu tiên nhưng sẽ được chú ý vì theo chị Yến, bên cạnh sự chan hòa, gần gũi, bình dân thì SV cũng có yêu cầu cao về yếu tố nghệ thuật. Đó là cách dàn dựng sân khấu, chất lượng giọng ca, chất lượng điệu múa minh họa, cách sắp xếp, dẫn dắt chương trình... Tất cả phải hài hòa, hợp lý, uyển chuyển để không vướng "sạn". Có một vấn đề khó khăn mà những người tâm huyết này đang gặp phải là chuyện kinh phí. Không lẽ chương trình dành cho SV mà bắt SV phải... mua vé, thế thì SV thà thưởng thức "cây nhà lá vườn" còn hơn! Vì vậy rất cần các nhà đầu tư tâm huyết với SV cùng vào cuộc.

Bạn Lữ Lâm Tuyên, SV khoa Du lịch Trường ĐH văn hóa TP.HCM tỏ ra thích thú khi nói đến một chương trình ca nhạc mà bên cạnh "ca sĩ nghiệp dư" còn có sự góp mặt của những ca sĩ đã và đang thành "sao" như Lam Trường, Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương, Kasim Hoàng Vũ... "Tụi em vốn "khát" những chương trình như thế, giá như thường xuyên có các ca sĩ tổ chức live show dành cho SV, như ca sĩ Mỹ Tâm vừa qua ở ĐH quốc gia thì hay biết mấy!". Còn Hải Quân, SV Kiến trúc lại "thèm" một chương trình thuần túy rock thật chất lượng cho những SV mê thứ âm nhạc "nổi loạn" như cậu.

Không chỉ âm nhạc mà còn nhiều sân chơi khác của SV trong "menu" các món ăn tinh thần cần được quan tâm hơn nữa. Dù các bữa ăn có bình dân thì cũng phải vừa miệng, có chất dinh dưỡng và càng ít "sạn" càng tốt.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.