Lại chuyện xả lũ

06/11/2009 01:06 GMT+7

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mà trắng mặt người... Trong vòng một tháng, mảnh đất miền Trung bị bão lũ chà đi xát lại gây nên biết bao nhiêu cảnh tang thương.

Và không chỉ một tháng, rồi sẽ còn nhiều tháng, nhiều năm sau...“đến hẹn lại lên”, người dân miền Trung vẫn phải oằn mình gánh chịu. Và người ta rồi sẽ còn nhắc nhiều đến các công trình thủy điện, các hồ chứa nước, việc cắt và xả lũ... bình thường như nói đến việc mua bán cổ phiếu của các công trình thủy điện "bán nước" lấy tiền.

Sau bão số 9, người ta đã nói nhiều đến "thảm họa A Vương", hôm nay, sau bão số 11, lại nói đến một "A Vương" khác, đó là thủy điện Sông Ba Hạ. Mà vẫn nói những điều đã nói.

Sáng qua, ông Giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ nói trên báo chí một cách tỉnh queo, rằng thì là việc xả lũ với lưu lượng cao là có thật, rằng thì là chúng tôi biết là không điều tiết, không cắt được lũ, rằng thì là việc hàng nghìn nhà dân chìm trong lũ (và cả trăm người chết) là... bất khả kháng!

Ông còn nói, xả lũ là biện pháp duy nhất lựa chọn, nếu không xả lũ thì thảm họa sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều!

Ơ hay, công trình nào cũng dựa trên lợi ích của dân, biết là thảm họa "bất khả kháng" sao lại xây dựng một công trình như một trái bom treo lơ lửng trên đầu nhân dân?

Chợt nhớ đến câu hát trong phim Bao Công xử án "không biết thật hay giả vờ ngây ngô?".

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã đề cập đến việc quản lý quy trình xả lũ. Trong đó nói đến một việc hoàn toàn nằm trong tầm tay, là dự tính trước lượng mưa để chủ động xả nước trong hồ chứa. Việc này các công ty thủy điện không thể không biết, mà nếu không biết thì chỉ là "giả vờ ngây ngô" mà thôi!

Bài viết đó, chúng tôi cũng đã dẫn ý kiến của TS Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư rằng, nhiều công trình thủy điện phía Bắc đã phối hợp hoặc hợp đồng với trung tâm để dự báo lũ cho các công trình thủy điện, nhưng các công trình thủy điện ở miền Trung thì không. Sáng qua, bà Nguyễn Lan Châu một lần nữa nói ra sự thật đau đớn này: Thủy điện miền Trung nói không với dự báo lũ! Bà Châu cũng nói rằng, việc cấp phép cho các công trình thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung cũng cần phải xem lại vì ở các nước, việc quản lý xả nước, quản lý lưu vực sông được làm rất chặt.

Giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ có thể ngụy biện, do không được làm hồ chứa dung tích lớn nên không cắt được lũ, nhưng ông không thể ngụy biện được rằng, nếu đơn vị ông có dự báo lũ trước để chủ động xả nước đến mức thấp nhất tương ứng với việc có thể chứa thêm nước đến mức cao nhất thì lượng nước xả thêm về hạ lưu sẽ không đến nỗi như bây giờ!

Chuyện này không phải là chuyện xảy ra rồi mới nói mà là chuyện nói rồi mà không làm. Vì sao? Nếu nói chỉ vì... lợi nhuận, hay như GS-TS Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư là họ sợ tốn tiền thì đau đớn lắm thay!

Kinh doanh là để làm ra tiền, làm ra tiền cũng (coi như) để làm giàu cho dân cho nước, nhưng không thể và nhất định không được kinh doanh trên mạng sống của nhân dân!

Nhìn cảnh tượng hàng chục vạn người dân cận kề với đói, với khát, với cả cái chết đang vẫy tay kêu cứu trực thăng, hàng nghìn người dân khác không thấy máy bay trực thăng để có cái mà hy vọng... không biết người ta nghĩ gì? Hay họ vẫn tiếp tục "giả vờ ngây ngô"?

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.