Bánh trung thu Hà Nội cổ

22/09/2007 20:21 GMT+7

Chiều. Trên đường đi làm về, giữa đỏ rực sắc màu bánh trung thu tràn ngập phố phường Hà Nội hối hả đón rằm, tôi bỗng ngột ngạt thèm bánh nướng, bánh dẻo đúng hương vị cổ truyền Hà Nội xưa. Vừa về tới nhà, quăng túi xách, vội vàng tôi điện thoại cho bà Tuyết béo Mã Mây (nhà hàng các món cổ truyền Hà Nội) như để thỏa mãn cơn thèm. Tưởng duy nhất mình "hâm", hóa ra "bà béo" la toáng lên rằng nhiều người thân quen cũng "hâm" không kém tôi.

 "Bí quá thì một cặp thôi cũng được, vừa bánh nướng vừa bánh dẻo để thắp hương đêm rằm cho đỡ nhớ hương vị Trung thu xưa", có người còn nài nỉ. Bà béo chưa nhận lời ai cả, vì kể từ 11 âm lịch cho đến hết rằm tháng này, bà phải túc trực từ sáng đến tối tại ngôi nhà cổ nổi tiếng 87 Mã Mây (nhà của Sở Du lịch Hà Nội, dành cho khách tham quan phố cổ) để trình diễn làm bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền. Mà lại là UBND TP "huy động" nên đang mệt lắm cũng cố phải đi.

"Hồi xưa ấy à" - giọng chị Tuyết réo rắt qua điện thoại - "bánh nướng, bánh dẻo đều chỉ có một loại nhân là thập cẩm. Nhân bánh nướng nhất thiết phải cóá mỡ phần, mà là mỡ gáy, mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, vừng trắng, lạc rang, lòng đỏ trứng gà. Và đặc biệt không thể thiếu lá chanh thái chỉ, rất mỏng mảnh, dậy mùi. Còn bánh dẻo, phải là gạo nếp rang, xay, ngào bằng nước cốt hoa bưởi, nhân cũng giống nhân bánh nướng nhưng không có mỡ, lá chanh, hoặc nhân chay là đỗ xanh xay nhuyễn. Nhân bánh dẻo đặc biệt cũng phải ướp nước cốt hoa bưởi như vỏ bánh...

Tất cả phải dùng đường ngà chứ không phải đường trắng như bây giờ. Bánh nướng thì 3 phần nhân, 1 phần vỏ. Bánh dẻo ngược lại, 3 phần vỏ, 1 phần nhân. Khuôn bánh chỉ là khuôn vuông với bánh nướng, tròn với bánh dẻo. Đã là bánh thì phải ngọt ngào, dậy mùi thơm đặc trưng, thế mới "đi" được với chén chè nóng hổi. Giấy gói bánh cũng chỉ một loại đặc trưng, đó là giấy gram, màu vàng nhạt, dai, mềm, rất thấm mỡ, chuyên dùng để gói thực phẩm chín trong các cửa hàng ăn uống nhà nước cũng như tư nhân. Họa hoằn có hộp bằng bìa carton, in hình đèn lồng là sang lắm rồi".

Phút chốc tôi nhớ lại Trung thu xưa. Trẻ con háo hức cả tháng trước rằm. Các cửa hàng thương nghiệp xếp hàng đông nghịt. Và loại bánh trung thu "thống trị" bấy giờ là bánh của Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội. Công nhân, người lao động được mua bánh bằng "bìa" (một loại tem phiếu thời bao cấp) theo nhân khẩu trong gia đình. Cơ quan, nhà máy nào năng động hơn, bộ phận công đoàn đi mua bánh về phân phát rộn ràng suốt cả tuần. Bánh của "mứt kẹo Hà Nội" (cách gọi tắt phổ biến) cũng ngon lắm, tuy không được tinh tế, "giàu có" như một vài hiệu bánh trên phố cổ (thường có thêm trứng muối mặn hay hạt dưa). Nhưng những hiệu bánh gia truyền ấy, cũng chỉ gia đình tiểu thương phố cổ hoặc công chức khá giả mới mua được.

Mua được bánh, cả nhà vui lắm, dành dụm đúng đêm rằm mới phá cỗ. Trẻ con thường hãnh diện khoe với nhau nhà tao có mấy cái bánh, nhân bánh nhà tao có những gì. Đứa nào mà khoe nhân bánh có tới 2 lòng đỏ trứng gà là "oách" lắm. Tôi còn nhớ mãi sự ấm ức khi đứa bạn khoe "nhà tao được ăn bánh cả 2 đêm, tối 14 và 15 cơ". Về mách mẹ, mẹ bảo: nhà bạn con mẹ xếp hàng mua bánh hộ mà, cũng chỉ bằng nhà mình thôi. Bạn con ăn bánh nướng hôm 14, còn bánh dẻo hôm 15. Nhà mình chờ bố đi công tác về, ăn cả bánh nướng, bánh dẻo đêm rằm thì có khác gì. Tôi tự ngượng vì mình ngốc thật. Nửa tháng sau rằm, trong nhiều giấc mơ, tôi vẫn ao ước khi nào lớn, đi làm có tiền, sẽ mua thật nhiều bánh trung thu cho cả nhà ăn thỏa thích.

Thời nghèo khổ qua rồi, vậy mà sao cứ đến rằm Trung thu, người ta vẫn xếp hàng đông nghẹt trước cửa hàng bánh mứt kẹo Hà Nội (giờ đã chuyển thành công ty cổ phần) trên phố Bà Triệu? Mẹ tôi, giờ đã rất già, vẫn bắt tôi mua bằng được một đôi bánh nướng và bánh dẻo của "mứt kẹo Hà Nội" cúng đêm rằm. Cũng không thể thiếu được việc Trung thu nào cũng vậy, tôi vẫn phải gửi vào miền Nam mấy cặp bánh do "bà Tuyết béo Mã Mây" làm cho người Hà Nội xa quê đã rất lâu, giọng nói giờ đã "đặc chất" Nam Bộ.

Buồn cười thật! Giữa bao nhiêu sơn hào hải vị, báu vật trên rừng, dưới biển mà các hãng đang "lên cơn sốt" sáng tạo ra để đưa vào nhân bánh trung thu, không phải vì ngon mà là để tăng thêm giá trị cho... người đi biếu bánh, thì những chiếc bánh trung thu Hà Nội cổ truyền, hương vị nguyên bản nhất vẫn cứ thật hấp dẫn khi Hà Nội thu về. Vẫn còn nhiều lắm, những người mua bánh chỉ để thưởng thức đêm rằm, để nhớ về chút hương vị mùa thu, hương vị Trung thu xưa cũ của Hà Nội.

Lan Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.