Công nghiệp dệt may: Xoay xở vượt... ”bão”

04/11/2008 09:22 GMT+7

Có đơn hàng cũng không dám ký. Ký được đơn hàng phải chịu cảnh giảm giá hoặc đơn hàng bị sụt giảm nghiêm trọng. Đây là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp dệt may do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dù là một trong những ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu chủ đạo trên cán cân xuất khẩu trong năm nay và cả năm tới, nhưng tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu “ngấm thuốc” và tỏ ra rất “nhạy cảm” đối với ngành dệt may xuất khẩu.

Đơn đặt hàng giảm

Theo phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn của ngành dệt may, từ đầu tháng 10-2008 đến nay các nhà nhập khẩu nước ngoài đã chủ động cắt giảm đơn hàng với mức giảm 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. “Các đơn hàng chúng tôi đang thực hiện trong tháng mười và mười một thật ra là những hợp đồng được ký trước đó. Còn hợp đồng từ tháng mười hai trở đi sang đến tận quý 1-2009 đã chính thức được thông báo cắt giảm 25-30% so với cùng kỳ 2007”, ông này xác nhận.

Không chỉ cắt giảm về mặt số lượng, ông này cũng thừa nhận các hợp đồng ký từ tháng 12-2008 trở đi cũng phải giảm giá 5-10% so với trước. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng chủ động đề nghị thương thảo hợp đồng từng quý, thay vì lúc trước có thể xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch đặt hàng xuyên suốt cả năm. Vị phó tổng giám đốc cũng cho biết không chỉ riêng công ty ông khốn đốn bởi đơn hàng suy giảm, mà phần lớn doanh nghiệp có quy mô tương tự đều cùng cảnh ngộ.

Xuất khẩu dệt may sẽ vượt dầu thô?

Với vai trò là ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, ngành dệt may đã được Bộ Công thương lên kế hoạch “sẽ mang về 11,5 tỉ USD trong năm 2009, vượt cả dầu thô về kim ngạch xuất khẩu cho năm sau”. Áp lực này càng đẩy các doanh nghiệp vào tình thế xoay xở khó khăn hơn bao giờ hết.

Không thuộc quy mô hoành tráng như công ty trên, giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa Phùng Đình Ngọ cũng sốt ruột khi việc làm cho gần 300 công nhân của công ty ông cũng đang lâm vào tình trạng khá khó khăn. “Mọi năm thời điểm này làm không ngớt việc, thậm chí còn phải thương lượng với công nhân tăng ca mới kịp hàng để giao. Nhưng từ cuối tháng chín đến nay đơn hàng giảm dần và hiện giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước”, ông Ngọ lo lắng. Ông Ngọ cho biết nếu chạy đủ máy thì số công nhân phải lên tới 400 người, sản xuất 100.000 sản phẩm áo thun cotton/ngày nhưng hiện chỉ còn khoảng 250 công nhân đi làm và cảnh tăng ca chỉ là... quá khứ.

Theo Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), số doanh nghiệp có quy mô như công ty ông Ngọ lâm vào tình cảnh khó khăn đang xảy ra khá phổ biến. Phát biểu tại một hội thảo mới đây tại TP.HCM, ông Lê Quốc n, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), thừa nhận tình trạng đơn hàng giảm sút là hoàn toàn có thật

Nên cơ cấu lại thị trường

Với hàng loạt khó khăn trước mắt, ông Lê Quốc n, chủ tịch Vitas, cho biết sẽ khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2008 là 9,5 tỉ USD như kế hoạch đặt ra ban đầu. Riêng trong tháng 10-2008, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 800 triệu USD và là tháng thứ hai liên tiếp có mức kim ngạch giảm do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ các khu vực xuất khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật. Tính chung sau mười tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hiện chỉ mới đạt được 7,64 tỉ USD. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm, hai tháng còn lại ngành dệt may phải đạt ít nhất 930 triệu USD/tháng. Song với tình hình khó khăn hiện nay, khả năng này khó có thể thực hiện được.

Nguy cơ biến động nhân công

Các doanh nghiệp dệt may hiện cũng phải đối mặt với nguy cơ biến động nhân công lao động, thường xảy ra dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo các doanh nghiệp, khi tết đến, các doanh nghiệp sẽ mất đứt ít nhất 40% lượng công nhân vì tình trạng “người đi không thấy quay lại”. Tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này càng đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn hơn: không dám ký hợp đồng cho tháng một và tháng hai vì biết chắc nguy cơ đền hợp đồng, chậm tiến độ giao hàng khó tránh khỏi.

Đại diện một nhà nhập khẩu lớn của Mỹ tại VN cho biết khủng hoảng đơn hàng giảm có thể kéo dài đến tận tháng 6-2009, do lượng đặt hàng tại VN bao gồm quần jean, áo sơmi, áo thun cotton, quần u... hiện giảm 25% cho đơn hàng xuân, hè. “Do khủng hoảng kinh tế tại Mỹ vẫn diễn biến không mấy khả quan, nên chúng tôi quyết định cắt giảm đơn hàng ở tất cả các thị trường chứ không riêng VN”, vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, nhà đại diện nhập khẩu này cũng cho hay trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, cái mà nhà nhập khẩu cần nhất chính là thời gian giao hàng đúng hẹn và năng suất lao động cao. “Họ có thể chậm đặt hàng nhưng vẫn muốn được giao hàng đúng hẹn. Muốn vậy, chỉ doanh nghiệp nào có năng suất lao động cao, làm hàng chất lượng mới duy trì được đơn hàng ổn định”, vị đại diện này cho biết.

Đồng ý với quan điểm này, ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần chấp nhận thực tế: nếu việc giảm đơn hàng, kéo theo đó là giá đơn hàng cũng giảm, các doanh nghiệp phải tìm cách sống chung với tình cảnh khó khăn này, trong đó nhất thiết phải cơ cấu thật chi tiết thị trường chủ lực để cân đối lại sản phẩm chủ lực. Bản thân Việt Tiến cũng cân đối lại ngay lập tức khi chỉ cho thị trường Mỹ chiếm không quá 25% năng lực sản xuất của mình, nâng tỉ trọng ở thị trường EU lên 35% và Nhật 20% để giảm thiểu thấp nhất các rủi ro sẽ xảy ra.

Trần Vũ Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.