Hãy cứu những Nancy khác(*)

06/10/2006 22:02 GMT+7

Nancy đã nhiễm HIV ở tuổi mười bốn, ngay trong lần đầu tiên bị cưỡng hiếp, và đã qua đời ở tuổi mười sáu, trong khi cả cuộc đời tươi đẹp còn chờ phía trước, với người yêu, bạn bè, cha mẹ, và những dự định học hành - nghề nghiệp... Nhật ký được ghi chỉ để chôn chặt một tâm trạng tan nát không thể bày tỏ cùng ai, sau "tai nạn" khủng khiếp ấy. Không hề định làm văn, nhưng tất cả những gì Nancy ghi lại đúng là những trang văn tuyệt vời nhất, trung thực nhất, về những cảm xúc - nghĩ suy của tuổi dậy thì...

Nancy đã nhớ tường tận những gì cô ngỡ sắp mở cho mình cả một chân trời, từ cuộc gặp với gã thanh niên "còn đẹp hơn cả tượng thần Hy Lạp trẻ tuổi trong sách lịch sử, hoặc bức tượng David ở Florence nước Ý...", trong niềm vui cô so sánh “như ngày lễ Giáng sinh và tất cả các buổi tiệc sinh nhật trên đời gộp lại, với cả pháo bông của ngày lễ 4 tháng bảy ném cả vào đó...". Và cô đã lập tức xem hắn là "bạn tri kỷ thân thiết nhất của em, anh hùng dũng cảm của em, bạn đáng tin cậy của em, tương lai của em!". Quá đơn giản, quá hào hứng, quá cả tin, quá ngây thơ mơ mộng! Chỉ sau mười ngày, cô đã cho phép hắn đến nhà buổi tối, khi mẹ đi vắng. Để rồi mấy tiếng đồng hồ sau, mặc cho cô quyết liệt chống cự, hắn đã chiếm đoạt cô ngay trên giường của mẹ cô và, "khi đã xong xuôi anh ấy chỉ đứng dậy và bỏ đi. Không một lời tạm biệt. Chẳng nói "Anh xin lỗi". Chẳng có, chẳng có gì hết".

Chỉ bốn tháng sau, Nancy biết rằng mình đã nhiễm HIV. Cuộc sống đã sang trang, và cô gái mười lăm tuổi phải quằn quại trong những suy nghĩ: "Mình sắp chết rồi... Sẽ chẳng có sự nghiệp, chẳng có chồng con hay gia đình. Mình sẽ chẳng bao giờ có được Lew... Ôi, đau đớn quá chừng khi biết máu mình... làm chết người... Chỉ không thận trọng một chút là có thể làm hại những người mình yêu quý nhất...".

Mỗi trang sách sau đó là một nỗi đau xé lòng. Sự việc trở nên tồi tệ một cách quá chóng vánh, do hệ miễn dịch quá yếu của cô. Sức khỏe Nancy nhanh chóng suy kiệt vì AIDS, và cô buộc phải đến sống ở một nơi xa lạ, từ bỏ môi trường thân quen của mình. Cô vẫn tìm được niềm vui sống trong những hoàn cảnh mà tuổi mười lăm khó lòng chấp nhận nổi. Có những thời gian Nancy yêu đời tới mức: "Một vài lần mình quên mất về tương lai của mình, hay về việc mình không hề có tương lai...". Nhưng căn bệnh khủng khiếp đã vùi dập mọi tia hy vọng dù le lói nhất của cô, và vào lúc không thể chịu đựng nổi, cô đã gào khóc với cha mình: "Cả đời con chỉ quan hệ tình dục có một lần... Sao nó lại xảy ra hở ba?... Con chỉ là một đứa trẻ... Thật chẳng công bằng chút nào, ba ơi".

Chỉ có đức tin tôn giáo mới cứu rỗi linh hồn cô, cho cô lòng thanh thản thánh thiện: "Xin Chúa đừng bao giờ để nó xảy đến với bất cứ đứa con gái nào khác!... Xin đừng có ai lâm vào cảnh ngộ khổ đau cùng cực như con". Những trang nhật ký cuối cùng được ghi chỉ hai ngày trước khi cô rời khỏi cuộc sống này, để tới một nơi mà Nancy tin rằng: "linh hồn mình lúc ấy chẳng còn bệnh hoạn gì nữa, sẽ phất phới bay lên...".

Nếu Nhật ký Anna Frank từng khiến người đọc ghê sợ chủ nghĩa phát xít, thì Nhật ký Nancy cũng khiến người đọc kinh sợ căn bệnh AIDS ở cùng mức độ. Chỉ có một an ủi: nếu chúng ta làm được điều mà Nancy vô cùng mong muốn - giúp cho những trẻ em khác không rơi vào tai họa của cô, như lời bác sĩ B: "không thể nào giữ chim chóc đừng bay qua đầu chúng, nhưng lại có thể giữ chim chóc đừng làm tổ trên tóc chúng".

N.T.K.C

(*) Đọc Nhật ký Nancy, bản dịch của Trần Hữu Kham, NXB Trẻ, 2006

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.