Thanh niên giúp dân chống bão

28/09/2005 23:08 GMT+7

Cuộc chiến cứu đê Vác bao tải cát lên vai, anh Nguyễn Thanh Sĩ, đoàn viên xóm 7, xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định vội vàng lao đi trong làn mưa quất rát mặt. Gió lớn. Hàng trăm thanh niên (TN) xã Hải Lý đã tập trung đầy đủ trên mặt đê trong chiều 25/9 để làm những công đoạn cuối cùng của quá trình gia cố đê sau cơn bão số 6 vừa tràn qua.

Chạy đua cùng sức gió và độ "nóng" của những bản tin dự báo thời tiết, mưa xối xả, nước biển đúng lúc triều cường sóng đập vào thân đê tung bọt trắng xóa, đoàn viên TN, bộ đội, công an, trong đó không ít nữ TN vẫn hừng hực khí thế trên mặt đê phòng chống bão.

Từ sáng sớm ngày 25/9, lệnh di chuyển dân vào sâu trong đất liền đã được phát động đến từng thôn xóm. Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trực chiến từ 23/9, tức là ngay sau cơn bão số 6, vẫn tích cực chỉ đạo tại Cống Thanh Niên (thuộc địa bàn xã Bạch Long, Giao Thủy) để trực tiếp điều động hàng ngàn TN đối mình với bão. Gió ù ù thổi, Tuấn gào thật to hạ lệnh: "Đoàn viên gương mẫu vận động gia đình triệt để di chuyển vào trong tránh bão, sau đó giúp gia đình khác rồi nhanh chóng tập trung trên mặt đê". Quần ống thấp ống cao, đôi dép lê bê bết đất, vắt lọn tóc lòa xòa trên mặt, Tuấn khẳng định: "Cũng như tất cả các ban ngành địa phương, có tới 20 ngàn TN trong toàn tỉnh sẵn sàng điều động để giúp dân tránh bão. Nửa ngày sau khi cơn bão số 6 tan đi, chúng tôi đã điều động TN ra sức gia cố đê kè, cả những đoàn viên TN lớp 12 cũng hăng hái lên mặt đê sẵn sàng ứng phó với bão".


Trao quà của Báo Thanh Niên cho lãnh đạo xã Hải Hòa (Nam Định) (ảnh: K.T.L)

Những đoàn xe quân sự chở lực lượng TN quân đội, dân công, công an ùn ùn tập kết vật tư vào sát chân đê. Cống Thanh Niên trở thành một đại công trường với hàng ngàn TN ra sức xếp rọ sắt, khuân đá, đóng cọc tre ầm ầm xuống các vị trí xung yếu. Vuốt vội khuôn mặt đầm đìa nước, ông Trần Giang Nam, Phó bí thư Đảng ủy xã Hải Hòa khẳng định: "Lực lượng TN xung kích, đặc biệt là các chiến sĩ bộ đội, đã đóng vai trò nòng cốt để hạn chế tối đa thiệt hại của bão. Nhiều đồng chí bộ đội làm việc không biết mệt mỏi, hết di dân lại khuân đất đá, đóng cọc gia cố đê. TN tình nguyện địa phương cũng gương mẫu vận động gia đình di dân và giúp rất nhiều hộ dân rời khỏi nơi nguy hiểm vào phút cuối"...

12 tiếng sau cơn bão, 5 giờ sáng 27/9, chiếc xe dã chiến của T.Ư Đoàn xé màn mưa trực chỉ hướng Nam Định. Anh Bùi Đặng Dũng, Bí thư T.Ư Đoàn bước lên xe động viên anh em: "Đêm qua nằm mãi không ngủ được, chỉ mong trời sáng về ngay Nam Định xem tình hình thế nào, nghe nói anh em ở đó dầm mưa đã hai ngày trời"... Anh Bùi Đặng Dũng và anh Trần Quốc Huy - Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam bắt tay từng anh em trong đội TN tình nguyện hàn cống. Số quà trị giá 12 triệu đồng của T.Ư Đoàn và bạn đọc Báo Thanh Niên đã được trao ngay cho các đơn vị trên mặt công trường để Đoàn cơ sở chuyển tới các gia đình bị thiệt hại nặng nề, động viên kịp thời những TN tiêu biểu. Cuộc chiến đấu với thủy thần còn kéo dài và gian khổ, đôi chân trần rắn chắc của TN miền biển vẫn bấm sâu trên nền đất. Một cô gái bé nhỏ ngừng nhát cuốc khẳng định chắc nịch: "Đâu cần TN có, đâu khó có TN, nghe nói nay mai sẽ có TN của các huyện khác trong tỉnh, TN tình nguyện về sát cánh cùng chúng em khắc phục hậu quả cơn bão, chúng em yên tâm lắm. Sức trẻ được thử lửa trong bão lũ thế này mới trưởng thành lên được".

Giúp dân khắc phục hậu quả sau bão

Có mặt tại xã ven biển Khánh Mậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã ghi nhận sự hồi phục ở nơi đây. Hàng chục TN, cả nam lẫn nữ cùng xắn tay áo lao vào dọn dẹp đường sá, sân bãi. Đặc biệt, mỗi khi mưa ngớt, các bạn trẻ lại tranh thủ trèo lên mái nhà để lợp lại những chỗ bị tốc. Bí thư Đoàn xã Nguyễn Thành Trung cho biết, anh đã huy động toàn bộ TN trong xã cấp tốc tu sửa lại từng ngôi nhà trong xã, để tránh những cơn mưa lớn có thể đến bất ngờ. Nhà anh Trung cũng bị tốc mái, anh tranh thủ buổi trưa lợp lại để chiều còn tiếp tục khắc phục ở những nơi khác. Chị Bùi Mai Hoa, Phó bí thư Tỉnh


Bộ đội cứu hộ đê trong bão số 7 ở Nam Định (ảnh: L.Q.P)

Đoàn cho biết, hơn 28 vạn đoàn viên TN trong xã đã được huy động để chống chọi và khắc phục hậu quả của bão số 7. Hôm nay, những chiến sĩ tình nguyện tiếp tục triển khai các hoạt động cứu trợ, giúp dân ổn định nơi ở trên toàn vùng bị lũ.

Tỉnh Đoàn Ninh Bình đã triển khai kế hoạch tổ chức các đội TN tình nguyện phối hợp với các lực lượng xung kích khác tham gia phòng chống lụt bão trước, trong và sau khi cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Ngày 25/9, trên 200 TNTN tại huyện Kim Sơn đã tiến hành trải bạt chống sóng tràn tại 5 km đê xung yếu thuộc đê Bình Minh 2. TNTN đã tới từng nhà vận động nhân dân trong vùng nguy hiểm di tản tránh bão. Với người dân địa phương, tài sản họ để cả ngoài đồng tôm, không thể khuân vác theo được nên nhiều người đã nấn ná ở lại để trông nom. Trước sự vận động, thuyết phục hợp tình hợp lý của các bạn trẻ, 100% số hộ trong diện di dời đã tự nguyện chuyển đến nơi ở an toàn. Trao đổi với Báo Thanh Niên, anh Mai Văn Tuất - quyền Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: "Anh em TNTN tham gia phòng chống lụt bão với một tinh thần trách nhiệm cao, tạo được một hình ảnh tốt đẹp trong lòng người dân". Tuy nhiên, theo anh Tuất, TNTN còn thiếu thốn phương tiện khi tham gia phòng chống bão. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn cho các đội TNTN về vấn đề phòng chống lụt bão, nâng cao hiệu quả ứng cứu khi sự cố xảy ra. 

T.Ư Đoàn cứu trợ khẩn cấp đồng bào vùng bão


Anh Nguyễn Thành Phong (bìa trái), Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, trao quà cứu trợ cho cựu TNXP neo đơn Hoàng Thị Nghi (62 tuổi) ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc (Thanh Hóa)

Sáng qua 28/9, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức chuyến công tác đặc biệt thăm hỏi và tặng quà cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng bão ở Thanh Hóa. Đây là đoàn cứu trợ đầu tiên về với đồng bào trong cơn hoạn nạn. Đoàn công tác do anh Nguyễn Thành Phong, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn đã về xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc trao 6.000 gói mì tôm, 500 chai nước khoáng, 300 gói lương khô cho đồng bào và các chiến sĩ công an, bộ đội đang giúp dân; kịp thời động viên, hỗ trợ người dân nơi đây khắc phục hậu quả của cơn bão số 7, ổn định cuộc sống. Sau khi nghe thông tin về tình hình thiệt hại ở xã Ngư Lộc cũng như những diễn biến dịch bệnh phức tạp có nhiều khả năng sẽ xảy ra sau bão ở huyện Hậu Lộc, anh Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ những khó khăn với đồng bào, đồng thời cho biết T.Ư Đoàn đã chuẩn bị 4 đội y, bác sĩ tình nguyện sẵn sàng về Hậu Lộc và các huyện vùng biển của tỉnh Thanh Hóa để giúp người dân nơi đây phòng trừ dịch bệnh. Ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc đã xúc động thay mặt người dân địa phương cảm ơn sự quan tâm của T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã kịp thời chia sẻ với người dân trong cơn hoạn nạn. Đồng thời ông Dưỡng cũng cho biết đây là đoàn cứu trợ đầu tiên về với địa phương. Chiều cùng ngày, được sự ủy nhiệm của T.Ư Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cũng đã về huyện Quảng Xương trao tiếp 4.000 gói mì tôm, 200 gói lương khô cho đồng bào ở các xã ven biển bị bão lụt.

Toàn cảnh cơn bão số 7

Káp Thành Long - Mạnh Dương - Quang Duẩn - Cao Ngọ - Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.