Nếu không có tàu điện, biện pháp gì cũng đi vào ngõ cụt

23/09/2007 22:55 GMT+7

(Nhân đọc các bài về giao thông, kẹt xe trên Thanh Niên) Hệ thống giao thông đô thị hiện nay có thể ví như cuộn chỉ vò. Chỉ có thể gỡ rối khi lần ra đầu mối. Đầu mối đó là tàu điện (subway và monorail).

Chỉ cần 3 tuyến chính: Sài Gòn-Củ Chi, Sài Gòn-Miền Tây, Sài Gòn-Suối Tiên sẽ xóa sổ hàng trăm chiếc xe buýt khổng lồ đang là nỗi ám ảnh kẹt xe trên các trục đường xuyên tâm. Giảm một lượng lớn xe máy từ ngoại ô vào trung tâm (vì đi tàu điện khỏe hơn - nếu giá cả chấp nhận được với đa số người có thu nhập thấp), người ta sẵn sàng đi bộ với cự ly trên dưới 1 km kể từ ga tàu điện để đến nơi làm việc hoặc về nhà. Từ đó, giảm hẳn cảnh kẹt xe cục bộ trên những con đường nhỏ nội ô. Các biện pháp mà chính quyền thành phố sắp thực hiện chỉ là giải pháp tình thế trong lúc xây hệ thống tàu điện. Nếu chủ quan với những thành quả trước mắt của giải pháp tình thế đó thì năm năm sau chúng ta sẽ phải giải lại bài toán của ngày hôm nay. Bởi vì, thành quả đó xét cho cùng cũng có mức tới hạn của nó. Xem qua vài phương án cụ thể:

- Làm việc lệch giờ: Lệch nửa giờ, 1 giờ hay 2 giờ? Nhiều lắm cũng đến thế thôi, đâu thể lệch hơn nữa. Vậy thì nhóm đi trễ của tốp trước cũng phải "đụng" với nhóm đi sớm của tốp sau. Mặt khác, đặc điểm của TP.HCM là dân lao động tự do và buôn bán nhỏ lẻ rất nhiều và ngày càng tăng (thử ra đường vào ngày chủ nhật vẫn gặp cảnh ùn ùn mọi ngả đường), đây là nhóm đối tượng bất khả thi với phương án làm việc lệch giờ.

- Chấn chỉnh hoạt động mạng lưới xe buýt: Cũng giống như chơi trò sắp xếp lại vị trí các vật cản trên diện tích đường đó thôi, tỷ lệ choán chỗ vẫn không thay đổi. Tăng thêm tuyến xe buýt trên các con đường nhỏ thực sự chỉ để đáp ứng số lượng gia tăng của lao động chân tay và sinh viên chứ hoàn toàn không tác động đến nhóm đối tượng khác. Xe buýt, dù đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh nóng nực, mất vệ sinh, hỗn tạp, không hề nằm trong tầm mắt của giới lao động trí thức.

- Tăng phí đường bộ xe máy: Tăng đến mức nào, gấp đôi giá trị chiếc xe được không? Chắc chắn rồi đại đa số người lao động cũng phải bấm bụng để được sử dụng xe máy vì nó đã là kế mưu sinh chứ không phải là phương tiện di chuyển đơn thuần. Cũng cần nói thêm rằng đây là phương án kém nhất, vì nó thể hiện sự bất lực và vô trách nhiệm của cơ quan công quyền trước nỗi thống khổ của nhân dân.

- Mở rộng các giao lộ: Chỉ có tác dụng cục bộ trong vòng 5 năm tới mà thôi. Điển hình là giao lộ Hòa Bình - Lũy Bán Bích, đã giải quyết được nạn kẹt xe giờ cao điểm, nhưng khi đường Hòa Bình phía Tân Phú mở rộng, lượng xe đổ dồn về giao lộ này càng đông. Một khi đường sá khu vực ngã tư Bốn xã được nâng cấp, con lộ Hòa Bình sẽ là tuyến huyết mạch từ quận Tân Phú về trung tâm, kẹt xe sẽ lại là vấn nạn.

- Phân luồng giao thông: Nhưng diện tích mặt đường vẫn vậy, các giao lộ vẫn còn đó. Khi lượng xe tăng lên gấp đôi hiện nay, sẽ là điểm dừng của giải pháp này. Đường Võ Văn Tần mới vừa phân luồng, nhưng nạn ùn tắc trên đường Nguyễn Đình Chiểu vào giờ cao điểm vẫn tồn tại như là một lời cảnh báo.

Đầu tư là để phát triển đất nước, không thể viện lý do là không có tiền. Những dự án tàu điện ngầm đã có từ lâu tại sao không thực hiện? Đến hôm nay mà các nhà chức trách còn đang loay hoay với các giải pháp tình thế, chưa khởi động gì dự án trên thì chẳng khác nào đi vào ngõ cụt!

NGUYỄN VĂN THANH (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.