Vẫn án binh bất động sau gần 2 năm được phê duyệt

06/10/2008 16:15 GMT+7

(TNO) Dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu” với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng lẽ ra phải đi vào sử dụng tháng 8.2008, nay vẫn án binh bất động. Gần 100 hộ dân và 750 ha đất sản xuất, đất sinh hoạt đang bị đe dọa.

“Điểm nóng” sạt lở

Nhiều năm qua, sóng biển ghềnh Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã ăn dần ăn mòn đất sản xuất, đất sinh hoạt của cư dân ven cửa sông Cu Đê.

Theo ông Bùi Văn Quốc – Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, hơn 3,5 km dọc bờ biển bị sóng “gặm nhấm”, mặc cho chính quyền địa phương tiêu tốn 10.000 bao cát/năm để hỗ trợ chèn chống, 2,5 km bờ biển sát khu vực dân cư vẫn bị xâm thực trực tiếp. Đỉnh điểm là vào mùa bão 2007, sóng biển xâm thực đánh sập hoàn toàn 4 căn nhà, hàng chục căn nhà khác bị “nạo” sạt móng, sập nền từ 50 - 70% dọc ghềnh Nam Ô; ăn sâu 100m vào khu vực dân cư phía bắc ghềnh Nam Ô, gần 40 mồ mả phải di dời khẩn cấp trước khi nằm dưới mực nước biển.

 

4 ngôi nhà bị sóng biển đánh sập mùa bão 2007

Bà Đặng Thị Hoa, trú ở tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Gia đình tôi có hơn 100 mét vuông đất, biển mỗi năm mỗi ăn vô, chừ chỉ còn phân nửa; đất đai, chuồng heo, nhà bếp nằm tuốt ngoài kia rồi".

Bên kia cửa sông Cu Đê là phường Hòa Hiệp Bắc cũng thường xuyên bị sóng dập gió nhồi khi bão về. Nhà cửa 16 hộ nuôi tôm sau mùa sóng dữ năm ngoái đã tan hoang, tất cả đã rút vào khu dân cư phía trong, chờ giáp Tết, khi mùa bão đi qua mới trở ra làm ăn.

Hai km cuối cùng của sông Cu Đê trước khi đổ ra biển Liên Chiểu cũng thường xuyên sạt lở. Ông Đàm Quang Hưng - Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết dự án kè sông Cu Đê sẽ được triển khai một phần trong năm 2008 này. Nhưng mùa mưa bão đã cận kề, dọc sông Cu Đê chỉ thấy những bao cát tạm bợ do người dân tự chèn chống.

 

Gia đình bà Đặng Thị Hoa bị sóng biển xâm thực 1/2 diện tích đất ở

“Khu vực sạt lở, sóng biển xâm thực ở phường Hòa Hiệp Nam từ lâu đã trở thành điểm nóng trên địa bàn quận mỗi mùa mưa lũ, chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc phía thi công tích cực triển khai dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu" nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu phản hồi. Trong tương lai, ghềnh Nam Ô sẽ giải tỏa trắng để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND TP Đà Nẵng cũng đang kêu gọi dự án đầu tư khu du lịch tại đây” – ông Hưng nói.

Đối phó... trên giấy

Dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu” tại phường Hòa Hiệp Nam mà ông Đàm Quang Hưng nhắc đến ở trên đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt từ tháng 1.2007, theo kế hoạch sẽ được đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 8.2008. Nhưng mãi đến tháng 1.2008, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng và đơn vị thi công mới đóng thử chiếc cọc đầu tiên, và đến nay đã... thử đi thử lại được 9 chiếc, nằm chơ vơ giữa ghềnh Nam Ô.

 

2 năm kể từ khi triển khai dự án, có 9 chiếc cọc đã được... đóng thử

Nguyên nhân chậm trễ được ông Lê Duy Vọng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão giải thích là do đơn vị thiết kế cọc quá chậm chạp, ngay cả việc quyết định chiều dài cọc là bao nhiêu, bên thi công cũng phải đóng đi đóng lại 2-3 lần mới đưa ra kết luận. Sau 2-3 tháng đóng thử, đơn vị thi công đành rút lui, án binh bất động trước... cơn bão giá.

Ông Vọng cho biết: “Chi phí nhân công, vật liệu xây dựng tăng từ 30 – 35% so với kinh phí dự án ban đầu khiến cho đơn vị đầu tư không hào hứng lắm trước tiến độ thi công. Sau khi được UBND TP Đà Nẵng đồng ý phê duyệt kinh phí phát sinh, đơn vị thi công đang tiến hành đúc cọc và dự kiến đóng cọc trong tháng 10.2008”.

Dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu" ra đời từ chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14.3.2006. Tháng 1.2007, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đồng ý phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 24 tỷ đồng, thi công trong 2 năm 2007 - 2008. 

Như vậy, mùa bão năm nay, một bờ kè với “tường chắn sóng cao 3,5 m đặt trên hệ móng cọc bê tông cốt thép chịu được gió bão cấp 10, bảo vệ an toàn phòng bão khu vực khu dân cư phường Hòa Hiệp Nam gồm hơn 3 ngàn hộ với 14.222 người” vẫn còn nằm trên giấy. Những thiệt hại sau mùa bão lũ 2007 (4 hộ bị trôi nhà, hàng chục hộ dân màn trời chiếu đất, hàng trăm ha đất đai nằm dưới mực nước biển...) xem ra vẫn chưa thấm thía gì.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.