Tập đoàn kinh tế Nhà nước làm đa ngành, có ổn không?

18/10/2007 00:28 GMT+7

Truyền thông, ngân hàng, bất động sản, trước đó là tài chính, bảo hiểm, chứng khoán và sắp tới là bệnh viện, trường học, khách sạn..., có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử của mình Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lại mở rộng các ngành nghề kinh doanh đến như vậy.

Trong một cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, Đinh La Thăng đúng với phong cách cởi mở của mình đã trực tiếp tranh luận rất sôi nổi với một nữ phóng viên về đề tài xây dựng một tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó Tập đoàn Dầu khí là một ví dụ điển hình nhất. Ông Thăng đưa ra một bằng chứng hùng hồn: trên thế giới, nhiều nơi đã chứng minh các tập đoàn dầu khí cho dù là tư nhân hay nhà nước, không phải tất cả họ đều chỉ làm mỗi dầu khí. Họ còn kinh doanh sang các lĩnh vực khác, Petronas của Malaysia là một ví dụ.

Dầu khí ở Việt Nam mặc dù là một lĩnh vực trọng yếu, đóng góp ngân sách lớn nhất cho Nhà nước, nhưng so với ngành này ở các nước khác, chúng ta còn quá bé nhỏ. Chẳng hạn như doanh thu của chúng ta chỉ bằng 1/5 của Petronas, và không thấm vào đâu so với các quốc gia khác. Vì vậy với nguồn lực sẵn có, chúng tôi không thể ngồi yên trông chờ vào mỗi lĩnh vực của mình. Ông Thăng cũng chứng minh hiệu quả kinh tế của các thành viên tập đoàn đã làm ăn hiệu quả như thế nào khi mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới.

Không chỉ Tập đoàn Dầu khí, mà hầu như tất cả các tập đoàn mạnh nhà nước hiện nay đều có xu hướng đa ngành: Dệt may thì bắt đầu bước sang cả chứng khoán, ngân hàng, Công nghiệp tàu thủy muốn làm hàng không, Điện lực đã làm viễn thông... 

Một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam lý giải rằng, xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực xuất phát từ một thực tế: các tập đoàn đang thay đổi chiến lược kinh doanh theo các ngành nghề nóng, thu lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Các lĩnh vực đó hoàn toàn không thuộc sở trường của mình nhưng có thể đem lại lợi nhuận cao như bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm và ngân hàng. Thậm chí có doanh nghiệp còn bán bớt cổ phần tại các đơn vị kinh doanh mang lại nguồn thu nhập chủ chốt cho mình, để rút vốn đầu tư và xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn...

Trong khi các tập đoàn hồ hởi, các chuyên gia kinh tế bắt đầu tỏ ra lo lắng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận rằng: Khi nguồn lực bị hạn chế, nó không chỉ là nguồn lực tài chính, nó còn là đội ngũ, là con người. Nếu anh quá phân tán, ông đóng tàu thì đi làm hàng không, ông hàng không lại đi làm khách sạn, ông dầu khí thì đi làm bất động sản, tôi e rằng không ổn. "Chẳng hạn như tôi nói dầu khí, thì chuyên về dầu khí vì không ai giỏi hơn ông về cái đó, ông có đội ngũ, ông có thế mạnh kinh nghiệm. Nếu ông đi làm cái khác thì có lợi không? Thay vào đó ông tập trung chuyên vào lĩnh vực của mình, hoặc ông tăng quy mô của ông lên rồi đi đầu tư ra bên ngoài nhưng chỉ với lĩnh vực đó. Đây là bài toán về lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế. Nếu bài toán này không được tính kỹ thì về dài hạn là không ổn", ông A lo lắng. 

Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.