Vừa học vừa lo núi lở đè

13/10/2010 15:30 GMT+7

(TNO) Hàng trăm học sinh và giáo viên trường THCS Trà Lãnh, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) phải sơ tán đến nơi học tạm bởi nguy cơ sạt lở núi đang rình rập.

Để đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập của giáo viên (GV) và học sinh (HS), năm 2005, trường THCS Trà Lãnh (xã Trà Lãnh, H.Tây Trà) được đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng dãy phòng học 2 tầng khá khang trang với 6 phòng học, nhà công vụ cho GV, thư viện, phòng đồ dùng dạy học.

Nhờ đó, hàng trăm GV cùng HS không còn phải dạy và học trong ngôi trường tạm bợ, xập xệ. Sân trường rộng rãi giúp các HS có nơi vui chơi sau mỗi giờ học.


Nằm dưới vết nứt của ngọn núi nên HS và GV trường THCS Trà Lãnh phải sơ tán

Mưa lớn là… chạy

Niềm vui được dạy và học trong ngôi trường mới chỉ vài năm thì đến năm học 2009 - 2010, cả GV, HS đều nơm nớp lo âu bởi tính mạng luôn bị đe dọa, cứ thấy mưa lớn là tất cả thầy trò đều nháo nhào chạy ra khỏi lớp.

Thầy giáo Lê Văn Tư - Hiệu trưởng trường THCS Trà Lãnh cho biết, sau cơn bão lũ vào tháng 9.2009, một người dân khi đi làm rẫy đã phát hiện vết nứt tại khu vực núi Tà Côn - nằm phía trên trường khoảng hơn 150m liền báo với nhà trường và chính quyền địa phương.

Sau đó, mưa lớn liên tục, vết nứt mỗi ngày một dài ra đến hàng trăm mét theo hình vòng cung bao quanh sườn núi, có chỗ vết nứt rộng đến gần cả mét. Vì thế nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đứng trước nỗi lo núi lở đè mọi người, nhà trường đã báo cáo lên cấp trên, sau đó huyện Tây Trà chỉ đạo di dời khẩn cấp nhưng rốt cuộc chẳng tìm đâu ra nơi học tạm nên suốt năm học 2009 - 2010, HS và GV buộc lòng phải “bám trụ” ngôi trường, cho dù vừa học vừa lo.

“Cả GV và HS đều chung tâm trạng như thế mỗi khi vào lớp nên không tài nào tập trung bài vở được, thậm chí đang giờ học phải chạy ra khỏi lớp ngay vì nghe có tiếng nổ phát ra từ trong lòng núi”, cô giáo Nguyễn Thị Nhật Thu kể.

Còn em Hồ Thị Nhớ khi hỏi đến tâm trạng lúc học trong ngôi trường dưới vết nứt núi thì chỉ nói: “Bọn em đứa nào cũng sợ”.

Theo hiệu trưởng Lê Văn Tư, cả mùa mưa năm ngoái việc dạy và học của trường “bữa đực, bữa cái”, nắng học - mưa nghỉ, có khi nghỉ đến cả tuần nên lo chạy kịp chương trình đã “bở hơi tai”.

Giáo viên “hét” học sinh vẫn không nghe

Qua khảo sát, vết nứt trên sườn núi Tà Côn mỗi ngày mỗi dài ra, hiện đã lên đến hơn 200m, rộng từ 0,5 - 1m nên nguy cơ ngôi trường có thể bị núi lở làm đất đá rơi xuống đè ngay trong mùa mưa bão 2010.

“Chúng tôi không dám “liều mạng” nữa mà phải sơ tán đến nơi học tạm để đảm bảo tính mạng cho GV, HS”, hiệu trưởng Tư nói.

Vì thế, bước vào năm học 2010 - 2011, nhà trường đã xoay sở mọi cách mới có đủ 5 phòng học, trong đó có 2 phòng học tạm mái lợp tôn, vách gỗ được dựng tạm trên nền đất của UBND xã, mượn Nhà văn hóa xã ngăn đôi thành 2 phòng học và 1 phòng học mượn của trường Mẫu giáo Trà Lãnh mới có đủ chỗ cho 10 lớp với gần 230 HS học tập.

 

Ở phòng học tạm, mỗi khi trời mưa dù GV có “hét”, HS vẫn không tài nào nghe được

Việc sơ tán đến nơi học tạm giúp HS, GV yên tâm hơn, không còn cảnh phải lo sợ lở núi song điều kiện học tập lại quá tạm bợ, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Khó có thể hình dung được 2 phòng học tạm mới dựng lên nằm lọt thỏm phía sau Nhà văn hóa xã, nền xi-măng ẩm thấp, trời mưa nước tràn vào cả lớp học, thầy và trò lội bì bõm.

“Khổ nhất là mỗi khi trời mưa, do mái tôn quá thấp chúng tôi có “hét” HS cũng chẳng nghe được gì”, thầy giáo Đỗ Minh Định than thở.

Điều kiện học tập khó khăn, thiếu thốn trăm bề, chất lượng dạy và học có chiều hướng đi xuống. Do vậy, để phụ đạo buộc lòng nhà trường “lén” đưa HS về ngôi trường cũ vào những ngày trời nắng ráo.

“Phải chấp nhận dạy và học trong những phòng học tạm bợ như thế thôi. Còn việc xây dựng trường mới thì chưa biết đến bao giờ, bởi việc khảo sát mặt bằng, thiết kế còn nằm trên giấy”, Hiệu trưởng Lê Văn Tư trầm ngâm.

Bài và ảnh: Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.