“Bơm” USD ra thị trường

04/11/2010 23:05 GMT+7

Đó là biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ nhằm bình ổn thị trường.

Sau phiên họp Thường trực Chính phủ tối ngày 3.11, Thủ tướng đã có chỉ đạo đột xuất, yêu cầu Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban GSTC) trao đổi với báo giới về những vấn đề của kinh tế vĩ mô. 

Hôm qua 4.11, ông Lê Đức Thúy (ảnh), Chủ tịch Ủy ban GSTC đã trao đổi thẳng thắn với báo giới xung quanh nội dung trên.

Không điều chỉnh tỷ giá, “bơm” ngoại tệ ra thị trường

Thưa ông, Thường trực Chính phủ đánh giá như thế nào về căng thẳng trên thị trường ngoại hối trong thời gian qua?

 

Ảnh: A.V

Ông Lê Đức Thúy: Bất ổn xuất hiện khi tỷ giá chợ đen tăng lên bỏ xa so với tỷ giá chính thức, vượt 1.500 đồng so mức trần 19.500 đồng/USD mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Quá trình này diễn ra theo đà tăng liên tục trong khoảng nửa tháng trở lại đây.

Ngoài thị trường, người dân đổ xô đi mua ngoại tệ, còn các doanh nghiệp (DN) không mua được ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu cần thiết hoặc mua không đủ. Trên thị trường liên ngân hàng (NH), có lúc tỷ giá lên đến 19.880 đồng/USD, các NH niêm yết giá mua vào bằng bán ra, và trên thực tế còn thu thêm hàng loạt các phụ phí.

Quy mô giao dịch ngoại tệ giảm, trạng thái ngoại hối của các NH thương mại cũng giảm. Vào tháng 8, dương khoảng hơn 3%, sau đó giảm xuống dương 1%, đến những ngày gần đây xuống xấp xỉ 0%. Nghĩa là các NH không có ngoại tệ để bán hoặc để giữ.

 
Tuyên bố can thiệp thị trường của Chính phủ đã khiến giá USD trên thị trường tự do ngày 4.11 giảm khoảng 150 đ/USD, còn ở mức 20.800 đ/USD - Ảnh: D.Đ.Minh

Trong vòng 15 ngày đầu tháng 10 so với cuối tháng 9, tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ của người dân giảm 45.000 tỉ đồng, tương đương khoảng hơn 2 tỉ USD, họ rút tiền ra mua USD hoặc mua vàng.

Đồng thời, đến hết tháng 9, số dư tiền gửi ngoại tệ của hệ thống NH thấp hơn số dư cho vay ngoại tệ khoảng 40.000 tỉ đồng, có nghĩa là NH huy động thiếu 40.000 tỉ, được bù đắp bằng vốn vay từ bên ngoài ủy thác để đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ.

Nhưng trong 15 ngày đầu tháng 10, số chênh lệch này giảm xuống còn 20.000 tỉ đồng, tức tiền gửi ngoại tệ đã tăng thêm 20.000 tỉ đồng từ huy động trong nước. Dân đã rút tiền gửi bằng VNĐ mua ngoại tệ, mua vàng, một số cất trữ, một số gửi lại NH dưới dạng ngoại tệ cho nên đã gây căng thẳng nguồn cung - cầu USD cục bộ, gây áp lực lên tỷ giá.

Vì sao Chính phủ lại quyết định giữ tỷ giá, không điều chỉnh ít nhất từ nay đến cuối năm, thưa ông?

Thường trực Chính phủ đã phân tích, trong thời điểm này việc điều chỉnh tỷ giá là không có lợi. Lạm phát hiện đã tăng 7,58%, nếu điều chỉnh tỷ giá nữa thì lạm phát có thể vọt lên, theo ước tính với tác động dây chuyền tâm lý có thể đẩy giá cả vượt lên trên 1 con số. Như vậy chúng ta vỡ đi mục tiêu quan trọng được đặt lên hàng đầu đặt ra trong năm nay là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu kiểm soát lạm phát mà không thực hiện được, người dân nghĩ rằng Chính phủ không giữ được ổn định vĩ mô, không giữ được giá trị đồng tiền, sẽ khiến mọi người găm giữ USD, mất niềm tin vào VNĐ tạo ra vòng xoáy bất ổn vĩ mô vô cùng nguy hiểm.

Nếu tỷ giá tiếp tục căng thẳng, Chính phủ sẽ có biện pháp gì để ổn định thị trường?

Nếu thị trường còn căng thẳng thì NHNN với tư cách là người điều hành vĩ mô tiền tệ sẽ can thiệp bán ngoại tệ ra. Trong tháng 9, NHNN mua tăng dự trữ được 300 triệu USD, tháng 10 đã bán can thiệp còn 200 triệu USD, nhưng biện pháp chưa đủ mạnh để chặn đứng tâm lý khan hiếm ngoại tệ. Vì vậy Chính phủ chủ trương mạnh dạn bơm mạnh ngoại tệ, can thiệp để giữ ổn định thị trường. Đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho những hoạt động kinh tế cần thiết.

Dự trữ ngoại hối có đủ để bơm can thiệp thị trường không, thưa ông?

Dự trữ tuy đã giảm mạnh so với mức công bố trước đây là 23 tỉ USD, nhưng hiện tại với lượng USD còn đủ để đáp ứng được 6-7 tuần nhập khẩu hàng hóa, chúng ta hoàn toàn có thể ổn định thị trường. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán năm 2009 thâm hụt gần 9 tỉ USD, nhưng dự báo năm 2010 thâm hụt chỉ 4 tỉ USD. Mức thâm hụt cán cân thanh toán giảm khá đáng kể và theo tính toán năm 2011 sẽ có thặng dư từ 1 đến 2 tỉ USD.

Dừng mục tiêu hạ lãi suất vào 10%, ra 12%

Chính phủ ưu tiên kiềm chế lạm phát, vậy mục tiêu hạ lãi suất có thay đổi không?

Chính phủ từng yêu cầu các NH đưa lãi suất VNĐ xuống để phục vụ tốt hơn sản xuất kinh doanh, nhưng tình hình đã thay đổi. Lo ngại tăng trưởng không đạt mục tiêu cũng đã không còn cơ sở, vì nhiều dự báo, GDP sẽ đạt và vượt mục tiêu, trong khi đó CPI có nguy cơ tăng lên, cho nên Chính phủ chủ trương không đặt vấn đề yêu cầu giảm lãi suất nữa. NHNN phải để cho các NH thương mại huy động và cho vay theo thị trường. Không dùng các biện pháp hành chính, không cần đồng thuận hạ lãi suất.

Lãi suất sẽ biến động như thế nào, thưa ông?

Tăng lãi suất và bất cứ biện pháp nào đều có 2 mặt, chúng ta chấp nhận tăng để giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Lãi suất có thể sẽ tăng, nhưng chúng ta chấp nhận lãi suất cao một chút, điều đó không ảnh hưởng đến tăng trưởng và nó cũng không ảnh hưởng đến lạm phát. Theo tính toán, mức lãi suất huy động ở mức 12-13%, và cho vay 15-17% là mức thị trường chấp nhận được.

 Ngoài ra, lãi suất tăng góp phần ngăn chặn đà tăng lạm phát, đó là tín hiệu của biện pháp thắt chặt tiền tệ. Tất nhiên, mặt tiêu cực của nó là không ai muốn đi vay đắt, DN hay người tiêu dùng đều như vậy, nó có thể làm giảm tăng trưởng nhưng không đáng kể, không đáng ngại. Cái được lớn hơn là chúng ta có thể ổn định được kinh tế vĩ mô, tạo được lòng tin lâu dài và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững hơn. 

Dự trữ ngoại hối hoàn toàn đủ để bình ổn thị trường

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Thanh Niên. Ông Giàu cho biết: “NHNN chắc chắn sẽ bán ngoại tệ để can thiệp, bình ổn thị trường, tuy nhiên bán bao nhiêu thì chúng tôi sẽ tính toán và nếu cần sẽ công bố. Con số này chưa thể công bố bây giờ vì còn nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Hôm nay 5.11, NHNN sẽ họp với 16 NHTM ở phía Bắc để bàn sâu về vấn đề này”.

Cơ chế bán ra như thế nào? Đối tượng nào sẽ được mua, thưa Thống đốc?

Tất nhiên, chúng tôi sẽ bám sát, rà soát nhu cầu thiết yếu và thực tế mua ngoại tệ của các DN tại từng NH và sẽ bán số lượng tương ứng, chứ không phải bơm ồ ạt ngoại tệ cho NH để NH sử dụng tùy tiện. Ưu tiên số 1 vẫn là đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và nhu cầu thanh toán hợp lý và giảm triệt để bán ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa xa xỉ.

Giá USD trên thị trường tự do giảm 
Giá USD thị trường tự do cùng ngày đạt mức 21.050 đồng/USD (bán ra tại TP.HCM). Tuy nhiên, sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn thị trường, giá USD tự do đã giảm nhanh chóng. Tại TP.HCM, giá bán vào buổi chiều là 20.800 đồng/USD, giảm khoảng 150 đồng so với giá ngày 3.11. (M.P)

Thưa Thống đốc, Ủy ban GSTC cho rằng căng thẳng tỷ giá có một nguyên nhân lớn là do điều hành chính sách tiền tệ, ông nghĩ sao?

Tối 3.11, Thường trực Chính phủ đã họp với tất cả bộ trưởng các bộ ngành, tìm biện pháp ổn định tỷ giá. Tại đây, các thành viên Chính phủ và NHNN đều chung nhận định rằng, tỷ giá căng thẳng xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng nổi lên trong đó là lạm phát và nhập siêu. Theo Bộ Công thương, nhập siêu hiện tại ở mức 9,5 tỉ USD. Theo đà này, 2 tháng cuối năm, nhập siêu khoảng 1,5 tỉ USD, ước cho cả năm nay là 12 tỉ USD, so với kim ngạch XK thì nhập siêu chiếm khoảng 17%. Một yếu tố lớn khác là khi thực hiện mở rộng chính sách tài khóa đã gây áp lực lên tỷ giá. Bởi lẽ, khi tăng đầu tư để đạt được mục đích tăng trưởng thì buộc phải tăng nhập khẩu, dẫn đến nhập siêu.

Trong bối cảnh lạm phát, nhập siêu gia tăng như vậy, điều hành sao cho ổn định thị trường là một thách thức không nhỏ nhưng cũng đừng vì thế mà đổ lỗi cho hoạt động điều hành.

Chính phủ chỉ đạo không điều chỉnh tỷ giá, NHNN sẽ điều hành chính sách này như thế nào?

Trên thực tế, qua theo dõi của NHNN, áp lực lên cầu ngoại tệ sẽ giảm nhờ vào khả năng kiềm chế nhập siêu và nguồn cung ngoại tệ đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ từ nước ngoài của các tổ chức kinh tế được giải ngân, luồng vốn đầu tư và kiều hối chuyển vào trong nước đang được cải thiện đáng kể. Do đó, trong năm 2010 dự báo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam sẽ cân bằng. Trên cơ sở các thông tin và đánh giá tổng thể về thị trường, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ở mức ổn định như hiện nay và thực hiện bán can thiệp để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của quốc gia hoàn toàn đủ sức để bình ổn thị trường.

Anh Vũ (thực hiện)

 Anh Vũ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.