Chuyện dài phòng chống bão lũ

02/10/2008 00:51 GMT+7

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, những đợt bão lũ (cả lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao) tại miền Trung trong 20 năm qua đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người, làm hơn 1.000 người bị thương và gây tổn thất về tài sản lên đến trên 5.300 tỉ đồng. Riêng trận lụt cuối năm 1999 đã làm thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng và gần 700 người chết hoặc mất tích…

Các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Khánh Hòa chiếm 13,3% diện tích tự nhiên và 10,5% dân số cả nước nhưng chỉ đóng góp được 6,8% tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn mức thu nhập bình quân chung của cả nước. Trong khi những trận lũ lớn như năm 1999 lại xóa đi nhiều thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong vài thập niên trước đó của nhiều tỉnh. Người làm báo ở miền Trung mỗi khi có thông tin về bão lũ, về lượng mưa, sức gió hay tin tức về thủy văn trên các sông ở các tỉnh, có thể hình dung ngay được những khó khăn nào có thể xảy ra cho người dân, cho hạ tầng giao thông trong khu vực.

Những thiệt hại do lũ lụt diễn ra thường xuyên khiến cho cuộc sống của hàng vạn gia đình ở miền Trung luôn gặp khó khăn và đó cũng là nguyên nhân làm cho khu vực này cứ loay hoay trong cảnh nghèo. Trong khi các cơ quan quản lý, chính quyền sở tại lại cũng loay hoay từ năm này qua năm khác trong nhiệm vụ "phòng chống bão lụt".

Đơn cử như tại Quảng Nam, mặc dù dự báo trong năm nay sẽ có 3, 4 cơn bão và lụt lớn diễn ra trên địa bàn, nhưng "khúc hát cũ" về di dời dân ra khỏi các điểm sạt lở ven sông, xây dựng các khu tái định cư, khôi phục những ngôi nhà cổ ở Hội An… vẫn tái diễn với những khó khăn chồng chất. Những vết nứt lớn tại khu vực núi Đầu Voi (xã Tiên An, huyện Tiên Phước) đang đe dọa mạng sống của hàng trăm con người, nhưng tiến độ thi công các hạng mục hạ tầng thiết yếu ở những khu tái định cư đến nay để di dời khẩn cấp vẫn diễn ra quá chậm. Tại núi Hòn Bằng (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) có 50 gia đình sống dưới chân núi có nguy cơ bị đất đá sạt lở đến nay vẫn chưa dời nhà ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại khu vực thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bờ sông sạt lở đang uy hiếp nhiều hộ dân trong 6 năm qua, nhưng dự án kè bờ sông tại đây vẫn hết sức chậm chạp. Cả trăm hộ dân khác sống ven các bờ sông ở Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn cũng đang phập phồng nỗi lo… Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, năm nào cũng phải gánh chịu ít nhất 4-6 cơn bão và lũ lớn nhưng hơn 70 di tích có nguy cơ sụp đổ hiện nay vẫn là mối lo lưu cữu. Cơ chế hỗ trợ 40-70% kinh phí và cho vay không lãi suất trong vòng 5 năm để người dân sửa chữa, trùng tu lại các công trình kiến trúc cổ đó, nhưng hầu hết các hộ dân vẫn không đủ sức vì lo không được phần vốn của chính mình…

Tại nhiều huyện miền núi miền Trung, với nguy cơ giao thông bị cắt nhiều ngày khi bão lũ xảy ra, sẽ tạo nên việc thiếu lương thực, chất đốt. Tỉnh Quảng Nam mấy ngày qua đang dốc sức cho việc xây dựng các kho lương thực dự trữ tại Tây Giang, Nam Trà My. Đây là việc làm hết sức cần thiết, nhưng qua những thước phim do PV Trung tâm Truyền hình VN tại Đà Nẵng thực hiện, chúng tôi vẫn thấy việc làm hãy còn quá sơ sài, những "kho lương thực" chỉ làm bằng tre nứa tạm bợ ấy vẫn chưa cho thấy một biện pháp căn cơ lâu dài. Tại sao lãnh đạo các tỉnh không mở những cuộc vận động rộng rãi cho mục tiêu quá rõ ràng và cần thiết này để huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế, xã hội trước khi bão lũ xảy ra?

Miền Trung cần gì nữa cho câu chuyện dài phòng chống bão lụt? Theo chúng tôi, đầu tư hạ tầng giao thông và các công trình dân sinh, xã hội kiên cố trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tuy tốn kém nhưng chỉ một lần; thống nhất một quy trình và cơ cấu sản xuất nông nghiệp an toàn; lập một quỹ hỗ trợ thiên tai chung cho khu vực; có chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay cho những doanh nghiệp tạo được giá trị gia tăng từ nguyên liệu nông lâm, thủy sản và sử dụng lao động nông thôn hiệu quả tại miền Trung. Những biện pháp ấy sẽ đồng thời giúp cho hơn 10,3% dân số khu vực này "sống chung" được với thiên tai và nâng cao mức sống của họ. Điều đó sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo chung của cả nước.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.