Gò lưng làm... vợ

24/10/2005 21:42 GMT+7

Đến bây giờ, chưa có số liệu thống kê đầy đủ nào về tình trạng tảo hôn ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, khắp các buôn làng Tây Nguyên vẫn còn dai dẳng lời ru chưa tròn giọng của những thiếu nữ Jrai, Ba na ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa đến". Họ đã phải oằn lưng ra làm vợ, làm mẹ vì những lẽ khác nhau...

Lấy chồng từ thuở... mười một

Thế là 32 mùa rẫy rồi kể từ ngày Siu É đi lấy chồng. Quẩn quanh ở cái làng nghèo Tao Rong, xã Yun, huyện Chư Sê (Gia Lai), gò lưng làm vợ từ lúc 11 tuổi, Siu É không biết cái thời con gái của mình đã trôi đi tự lúc nào. Chỉ nhớ một ngày năm 1984, lúc đó É 11 tuổi, nhà nghèo nên mẹ cha bảo đi "bắt" thằng Rơ Lan Juân, 14 tuổi, ở làng bên về làm chồng để lo cho cái nương, cái rẫy. Ngày cưới, làng vui như hội, bà con đến mừng hơn 30 ghè rượu và không biết cơ man nào là gà. Và, Siu É "hồn nhiên" làm vợ. Ngày ngày, É lên rẫy, Juân cầm chiếc rựa đi sau. Cuộc sống vợ chồng cứ như một điệp khúc buồn, vây khốn cuộc đời É. Năm 1985, É sinh Siu Huê, đứa con đầu lòng. Có lẽ đó là một ngày nhớ nhất trong cuộc đời É mà khi kể lại cô vẫn không cầm được xúc động. Qua lời phiên dịch của một người bạn gái người Jrai, chúng tôi hiểu, É đã trải qua cái cảm giác lo sợ tột cùng. Lúc chuyển dạ, cha mẹ và Juân đều đi rẫy, chỉ có chị gái Siu Leng vừa là người thân vừa là "bà đỡ". É khóc, vật vã cùng cái thai tỷ lệ nghịch với thân hình bé nhỏ của mình. Có lẽ Giàng thương nên rồi mẹ con cũng vuông tròn như mong đợi... Những đêm lạnh, khi con nhỏ gặp trái gió trở trời, thằng Juân sau một ngày đi rẫy mỏi mệt, ngủ khì chỉ còn É bế bồng con. Lời ru của É như buồn hơn, lạt giọng, hắt hiu trong căn nhà của mình. Những lúc như vậy, É thèm được đi học và nhớ sao những lúc cùng lũ bạn nô đùa nơi suối nước đầu làng...

Juân là người chất phác, thật thà và giỏi giang việc nương rẫy. Anh kể cho chúng tôi về những ngày đầu xác lập chuyện hôn nhân gia đình một cách rất hồn nhiên: "Ô! Hồi đó mình chưa biết ẵm con đâu. Cha mẹ vợ chia cho cái rẫy là đi làm miết miết".
Sống với cha mẹ vợ vài năm, vợ chồng Siu É ra ở riêng. Những ngày "tập" làm vợ, làm chồng rồi cũng dần qua. Bây giờ phải làm cha, làm mẹ, khó khăn lại chồng chất trăm bề. Những năm đó, nhà Siu É non nửa năm không có gạo ăn. Nghèo đói - nhà đông con, cái


Phụ nữ Jrai làm mẹ khi còn quá trẻ

vòng luẩn quẩn ấy cứ bám riết gia đình Siu É...

Đến khi hai bảy...

27 tuổi, Siu É sinh đứa con thứ 9. Chín lần đẻ thì đã 4 lần "sa" vì một phần sức khỏe và vì É chẳng biết sinh ở bệnh xá là gì. Làng Tao Rong nào có cách trở, xa xôi cho mấy. Làng cách trung tâm huyện chừng 5 cây số và nằm ngay trên quốc lộ 14, ấy vậy mà với Siu É, những từ như: đăng ký kết hôn, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình... nghe lạ lắm. Bằng chứng là một ngày đầu tháng 10/2005, chúng tôi đến thăm thì hay tin, chị Siu É mang thai đứa thứ 10 (thai đã hơn 3 tháng). Khi hỏi, sao anh chị không "kế hoạch", Juân cười hiền: Mình có biết kế hoạch là gì đâu!...

Ở cái tuổi 35 mà trông Rơ Lan Juân già hơn rất nhiều. Cuộc sống cơ cực hằn in từng nếp nhăn trên khuôn mặt sạm màu nắng sương của chàng trai người Jrai này. Còn Siu É thì khô rốp, khắc khổ. Câu chuyện về những ngày làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ của vợ chồng anh nghe thật buồn và dài như một tiếng chiêng. Chị kể: Trong số những lần vượt cạn, có 2 lần sinh (ban đêm) anh Juân mới có nhà, còn những bận khác anh đều đi rẫy. Việc đỡ đẻ chỉ giao cho một tay "kéo", tay "dao" của chị và mẹ. Sinh được vài ngày là gùi con lên rẫy và chúng lớn lên cùng núi rừng, chòng chành cùng những mùa chọc tỉa... Rít một hơi thuốc thật dài, Ra Lan Juân với giọng buồn buồn nhưng tỏ vẻ cương nghị: “Hai đứa con đầu phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn nhưng những đứa sau, vợ chồng phải cố mà cho con cái chữ. Con gái, con trai phải qua tuổi 18 mới lập gia đình chứ không để như mình mà khổ...”. 

Rời làng Tao Rong, chia tay vợ chồng Siu É khi ráng chiều ở phía đằng tây đỏ quạch, siết chặt tay Juân, chúng tôi tin rằng, dẫu con đường vào làng giờ còn hun hút, bụi mù đất đỏ nhưng con đường đến với hôn nhân gia đình và hạnh phúc lứa đôi của những đứa con chị Siu É cũng như trai gái trong làng sẽ rộng mở, thênh thang.

Trần Công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.