Các trường ào ạt tăng học phí: Giảng viên và chất lượng đào tạo... khống

04/11/2008 23:48 GMT+7

* Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: "Việc tăng học phí ào ạt chỉ xảy ra ở trường ngoài công lập" * Sinh viên tự bảo vệ quyền lợi mình bằng cách nào? Kết luận thanh tra (tháng 8.2008) của Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo: “Cần kiên quyết chấm dứt tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư xây dựng nhà trường, dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí lớn cho xã hội”. Tiến sĩ “trên giấy” và giảng viên “ma”

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho thấy: ở các trường ngoài công lập (NCL), đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu và thường xuyên biến động. Qua kiểm tra bảng lương và danh sách trích ngang giảng viên cơ hữu của từng trường, thời gian gần đây, thấy có tình trạng giảng viên cơ hữu của nhiều trường thấp hơn số liệu đã gửi báo cáo Bộ để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cũng thấp hơn so với đề án xin mở ngành đào tạo, đặc biệt tại các trường có đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật thì số giảng viên có chuyên môn kỹ thuật càng ít. 

Ví dụ: trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, trong tờ trình gửi tới Bộ có ghi số giảng viên cơ hữu tại trường gồm 20 tiến sĩ (TS), 105 thạc sĩ (Th.s), 62 cử nhân (CN) nhưng trên thực tế tại bảng lương, số giảng viên cơ hữu của trường này chỉ có 18 người, trong đó có 1 TS, 6 Th.s và 11 CN! Tại trường ĐH DL Phú Xuân, tuyển sinh đào tạo trình độ đại học ngành tài chính-ngân hàng, trong khi mới có 1 giảng viên cơ hữu có trình độ cử nhân!

Giảng dạy sơ sài

Qua kiểm tra ở một số trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cho biết: chương trình chi tiết của nhiều trường còn sơ sài; không bảo đảm cấu trúc, khối lượng kiến thức ngành và chuyên ngành theo quy định; chưa qua thẩm định của hội đồng khoa học và đào tạo nhà trường, chưa có ký duyệt của hiệu trưởng. Đó là các trường: ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, ĐH Đại Nam, ĐH quốc tế Bắc Hà, CĐ cộng đồng Hà Nội, ĐH DL Cửu Long, CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Bình Dương...

Một số trường ngoài công lập tuy đã được mở ngành, được giao chỉ tiêu, đã tuyển sinh nhưng việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt đề cương chi tiết bài giảng chưa hoàn chỉnh, vẫn phải thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, dạy đến đâu, chuẩn bị đến đó. Ví dụ: trường ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định chưa xây dựng đề cương chi tiết bài giảng; trường CĐ Phương Đông tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được đề cương chi tiết bài giảng và các ngành đào tạo trình độ CĐ. Đối với một số môn học phải mời thỉnh giảng thì cán bộ thỉnh giảng chủ động hoàn toàn về nội dung giảng dạy, nhà trường không hề có đề cương chi tiết!

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT cũng cho biết: tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều chưa đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên và cơ sở thí nghiệm, thực hành theo quy định mở ngành đào tạo. Ví dụ: trường ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định được phép tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH 7 ngành, song thực tế chỉ có 1 giảng viên cơ hữu (ngành quản trị kinh doanh) có trình độ TS! Trường ĐH DL Phú Xuân được phép tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH 12 ngành, chuyên ngành, song thực tế chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ TS. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du đào tạo tới 850 sinh viên CĐ ngành kế toán nhưng chỉ có 6 giảng viên cơ hữu là CN ĐH ngành kế toán!

Tuyển sinh và đào tạo “vô tội vạ”

Không những không có đủ các điều kiện để đảm bảo chất lượng, một số trường còn tuyển vượt chỉ tiêu đăng ký dẫn đến không đảm bảo về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo. Ví dụ: trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM, 3 năm liền đều tuyển vượt trên 70% chỉ tiêu. Trường ĐH Phú Yên, năm 2007 tuyển sinh chỉ căn cứ vào công văn của UBND tỉnh gửi Bộ GD-ĐT, chưa có cấp nào phê duyệt chỉ tiêu... Một số trường còn thông báo tuyển sinh cả những ngành chưa được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo như trường CĐ Đức Trí, trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du, ĐH DL Cửu Long...

Một điều đáng nói là mặc dù cơ sở vật chất thấp, thiếu thốn trang thiết bị cũng như giảng viên cơ hữu nhưng học phí của một số trường trong danh sách này cũng cao ngất ngưởng. 

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: "Việc tăng học phí ào ạt chỉ xảy ra ở trường ngoài công lập"

“Việc tăng học phí mà báo nêu chỉ xảy ra ở khu vực trường ngoài công lập. Đó là quyền quyết định của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Riêng các trường công lập hiện nay vẫn tuân thủ nghiêm túc mức học phí do Nhà nước quy định vì chưa có chủ trương mới.

Tuy vậy, các trường ngoài công lập tăng học phí phải đi đôi với chất lượng đào tạo. Năm học này Bộ GD-ĐT đang triển khai cuộc vận động "4 kiểm tra, 3 công khai". Trong đó, giám sát chặt chẽ việc các trường phải công khai chất lượng phục vụ, công khai nguồn lực và công khai tài chính. Bộ sẽ nghiêm túc và sâu sát kiểm tra các trường ngoài công lập hơn nữa!”.

Anh Lê Quốc Phong - Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM: Tránh trường hợp bỏ học vì không có tiền đóng học phí

“Khi tăng học phí các trường cần phải có lộ trình rõ ràng và đặc biệt là chú ý đến SV nghèo, tránh trường hợp SV bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Đồng thời cũng phải tăng cường cơ sở vật chất để SV thấy được khoản tiền mình bỏ ra tương xứng với chất lượng học tập. Sẽ là không công bằng đối với SV nếu nhà trường thu học phí cao nhưng chất lượng học tập thấp. Việc tăng học phí cũng nên thông tin trước để SV có thời gian chuẩn bị đồng thời nhà trường cũng cần có giải pháp giúp SV như: tín dụng, giãn thời gian đóng tiền hoặc chia nhỏ khoản tiền phải đóng thành nhiều kỳ... Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP.HCM cũng đề nghị Đoàn - Hội SV các trường phải nắm sát tình hình SV để tham mưu cho trường trong việc tăng học phí”.

Vĩnh Thắng - Thiên Long (ghi)

Sinh viên tự bảo vệ quyền lợi mình bằng cách nào?

Luật sư Trương Thị Hòa: “Bộ GD-ĐT có quy định mức học phí chứ không phải các trường muốn thu bao nhiêu thì thu. Tăng học phí là để tăng thêm chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất chứ không phải tăng học phí để tăng lợi nhuận cho nhà trường. Sinh viên có thể kiện nhà trường.

Tuy nhiên, trong xã hội ta, việc sinh viên kiện thầy hay nhà trường là không nên, vì ở đây mang một phạm trù đạo đức. Thế nhưng, không phải vì thế mà nhà trường thả nổi chất lượng đào tạo. Vấn đề đặt ra là các trường phải thấy được trách nhiệm và nhiệm vụ của mình mà tăng cường chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, chăm lo cho sinh viên.

Bộ Giáo dục phải xem trọng công tác tăng cường quản lý nhà nước, thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát để các trường làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhà trường cũng phải có trách nhiệm thông báo, lý giải cho sinh viên những khoản thu để họ nắm rõ chủ trương tăng học phí và thực hiện đúng cam kết. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trong trường cũng phải có tiếng nói để bảo vệ sinh viên”.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận: “Có thể nói các trường ĐH-CĐ đã không minh bạch trong việc cung cấp thông tin về học phí trước khi sinh viên đăng ký nhập học, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên. Khoản 1, điều 75 của Luật Giáo dục quy định: “Người học có quyền được nhà trường, các cơ sở giáo dục khác cung cấp đầy đủ thông tin về việc học của mình”. Theo tinh thần của điều luật này thì thông tin này bao gồm cả thông tin về mức học phí mà nhà trường sẽ thu đối với người học. Song, quy định trên còn khá chung chung, cần phải giải thích rõ ràng hơn nữa, đặc biệt là quy định về việc nhà trường phải có nghĩa vụ thông báo cho sinh viên mức thu học phí dự kiến trước khi họ nộp đơn thi tuyển vào trường” .

Khánh An (ghi)

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.