Thư bạn đọc tuần qua (17 – 22.10)

22/10/2007 17:45 GMT+7

Năm nào lũ cũng làm nhiều người chết. Những thiệt hại này, cũng như tai nạn giao thông, có thể giảm bớt. Các địa phương vùng lũ nên phát động phong trào mặc áo phao khi di chuyển trên thuyền bè, nhất là mùa mưa lũ; và phải có chính sách hỗ trợ giá cả để mỗi người dân đều có áo phao mặc, giống như đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô vậy".

Thiết nghĩ, ý kiến trên của bạn đọc ký tên Phương <...@yahoo.com.vn> rất đáng được các ban ngành chức năng quan tâm.

Tuần qua, liên quan đến những nội dung đăng trên Báo Thanh Niên, có hai bài viết được quan đọc quan tâm, phản hồi nhiều nhất là: “Muốn kéo giá bất động sản xuống: Ngoài thuế, không có cách nào khác!” và “Giá gửi xe ở trường: Muốn lấy bao nhiêu thì lấy!”. 

Ý kiến của GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, về giải pháp hạ giá nhà đất là nội dung nhận phản hồi nhiều nhất trong tuần qua. Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có người chưa nhất trí với ông Võ xung quanh việc xây dựng luật thuế sử dụng đất:

Lý Minh Văn <...@yahoo.com>: Tôi rất đồng ý với ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, tôi cũng rất bức xúc về vấn đề này vì dù không hề có kiến thức về quản lý đất đai nhưng tôi cũng dễ dàng hiểu được vấn đề ông nêu ra. Thuế đất đã có từ xưa nhưng không hiểu sao người ta lại bỏ đi mà thay bằng việc đóng tiền sử dụng đất một lần khi mua đất ?  Tôi biết chính sách thuế này là đúng nhưng chậm triển khai là do phần lớn đất đã được mua đi bán lại với giá cao ngất rồi nên nếu đóng thêm thuế nữa thì buộc đất phải giảm giá và như thế sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của những người đang nắm giữ nhiều đất đai. 

Lê Viết Tiến <...@yahoo.com.vn>: Thuế chỉ là một trong nhiều biện pháp nhưng không phải là giải pháp tốt nhất. Thị trường BĐS ở ta tuy có nhiều điểm rất đặc biệt nhưng quy lại giá cả vẫn phải vận hành theo cơ chế thị trường. Hiện tại nguồn cung không thiếu, dự án rất nhiều, đất trống tại các dự án vẫn còn (dù đã có chủ) và nhu cầu của người dân vẫn lớn. Nhưng giá BĐS hiện nay vẫn trên trời và người có thu nhập trung bình không thể nào với tới được. Theo tôi cần phải có những giải pháp sau: Thứ nhất, Nhà nước phải tạo quĩ nhà cho thuê đủ lớn để giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở. Có như thế mới hạ cầu và không tạo nên nhu cầu giả tạo (những người chưa đủ tiền, không có khả năng mua đất, nhà cũng đi hỏi đất, tìm hiểu về giá tạo thành nhu cầu không có thực, tạo điều kiện cho những người môi giới, giới đầu tư nâng giá). Thứ hai, thực hiện chính sách điều tiết dân cư, làm sao để người dân chấp nhận sống ở những vùng ngoại thành. Điều này chỉ thực hiện được khi làm qui hoạch thật tốt và mạng lưới giao thông công cộng từ ngoại ô vào thành phố phải phát triển (Metro, đường cao tốc).

Văn Thế Trung <...@yahoo.com>: Tôi rất tán đồng với ý kiến của ông Đặng Hùng Võ về chính sách thuế đất. Chính sách thuế đất của VN quá lạc hậu, làm miếng mồi ngon cho các nhà đầu cơ. Tôi có một người bạn sống ở Washington DC, trong một lần đến thăm anh, được biết giá nhà đất khu vực anh ở tăng gấp đôi, tôi chúc mừng thì anh nói anh không mừng mà chỉ lo thêm. Khi mức giá nhà được nâng lên thì có nghĩa anh phải đóng tiền thuế cao hơn. Sở dĩ Việt kiều muốn về VN mua nhà nhiều cũng một phần là do chính sách thuế. Họ chấp nhận mua giá cao vì biết chắc có lời. Tương tự, chính sách thuế ô tô cũng vậy. Nếu như thuế nhà đất đem đến cho người dân sự cân nhắc ở thuê hay sở hữu nhà, ở nhà vừa phải hay nhà to thì chính sách thuế ô tô sẽ làm người dân cân nhắc giữa chi phí đi xe công cộng và xe cá nhân, cân nhắc khi mua một chiếc xe đời mới và nhất là không ai mua chiếc xe để làm của như nhiều gia đình ở VN.

Nguyễn Ngọc Hà <...@yahoo.com>: Tôi rất tâm đắc với ý kiến của GS Đặng Hùng Võ là dùng chính sách kinh tế để điều chỉnh việc đầu cơ thị trường bất động sản mà chủ yếu là nhà đất. Thiết nghĩ việc ban hành một chính sách thuế lũy tiến để điều chỉnh trong thị trường nhà đất sẽ mang lại nhiều ưu điểm cho xã hội, ngân sách và cũng góp phần tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư chân chính; hạn chế cơ chế xin cho, dự án treo...

Phạm Văn Khánh <...@yahoo.com.vn>: Các nước phát triển đã làm điều này. Đó là nhà nước đánh thuế phần nhà đất vượt định mức đất ở với mức thuế suất 1-3%/ năm. Người sở hữu nhiều nhà sẽ hoặc phải cho thuê hoặc phải có phương án khai thác hiệu quả từ nhà đất để vừa làm lợi cho mình vừa có tiền nộp thuế hàng năm cho ngân sách. Đất đai lúc ấy sẽ được khai thác một cách hiệu quả song song với tăng trưởng chung của nền kinh tế, hiện tượng đầu cơ tích trữ đất để hoang hóa sẽ không còn. Giá đất sẽ ổn định và thể hiện đúng với giá trị của nó trong bước đi chung của nền kinh tế.

nguyen jade <...@yahoo.com>: Giá đất ở Việt Nam cực kỳ vô lý. Nhìn quanh các dự án tốt tại thành phố thì dễ dàng nhận thấy mật độ xây dựng còn thưa thớt, nhưng giá cả thì nhảy vọt từng ngày. Điều đó cho thấy việc mua bán chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ, còn người dân có nhu cầu thật sự thì chưa nhiều. Chính sách thuế về đất đai cực kỳ phi lý của Nhà nước ta hiện nay đã tạo ra cảnh người giàu có thì sở hữu hàng chục miếng đất, hàng chục căn nhà, và chỉ làm giàu bằng cách đầu cơ; trong khi đó nhưng người lao động có nhu cầu thật sự thì không biết đến bao giờ mới mua được mảnh đất, căn nhà. Ở các nước tiên tiến thì ngoại trừ căn nhà đang ở là được miễn thuế khi giao dịch mua bán, còn tất cả các bất động sản khác đều phải chịu thuế rất nặng khi mua đi bán lại và có lãi. Ngoài ra, tình trạng "mua đất để đó" cũng chịu thuế rất nặng. Bao giờ các nhà làm luật mới thật sự quan tâm đến lợi ích của cả cộng đồng để thay đổi chính sách thuế lạc hậu hiện nay chỉ đem lại lợi ích cho một số người?

Doan Dinh Hoang <...@yahoo.com>: Để đưa thị trường BĐS đi vào phục vụ lợi ích cộng đồng, bên cạnh luật thuế bất động sản như tiến sĩ Võ đề cập còn cần bổ sung thêm hai điều kiện: (1) Luật thuế thu nhập, và (2) Tất cả tài sản là bất động sản phải được cấp giấy chứng nhận sở hữu, quyền sử dụng. Chỉ cần với các công cụ trên, Nhà nước sẽ ngay lập tức điều chỉnh giá BĐS đi vào quy luật như mong muốn.

kienbinh <...@yahoo.com>: Đề xuất của ông Đặng Hùng Võ - đánh thuế nhà đất "kiểu" nước ngoài - phải chăng muốn "đóng băng" nhà đất một lần nữa? Nếu áp dụng thuế như ông Võ thì có quá nhiều bất cập lúc này. Một thí dụ điển hình: Một công dân sau bao năm dành dụm, vay mượn thêm mua một miếng đất trong khu dự án, nhưng chưa đủ tiền xây, chẳng lẽ trong thời gian chờ tích lũy đủ tiền xây nhà lại phải è cổ đóng thuế với mức "không thể tưởng"? Đúng là tính thuế như ông Võ sẽ kìm hãm giá đất nhưng đó cũng là cách vô tình làm mất giá trị của đất. Chúng ta đừng vì lý do "người nghèo không cơ hội mua đất". Xin thưa, đó là vấn đề chính sách cho người nghèo phải phát triển tốt chứ không nên vì lý do đó mà "giận cá chém thớt".

Hồ Trung Hậu <...@gmail.com>: Theo tôi, vẫn còn cách khác kéo giá BĐS về giá trị thật. Nếu như chúng ta giải quyết được vấn đề cung - cầu thì giá đất sẽ giảm đáng kể. Ví dụ: đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; nhanh chóng cấp phép đầu tư nhiều dự án mới với thủ tục đơn giản...

Trần Huân <...@msn.com>: Giá đất cao là do kinh tế thị trường quyết định, Nhà nước quy định giá theo thị trường để có tính hợp lý trong quá trình đền bù giải tỏa. Còn việc Nhà nước quy định giá để giao đất cho các doanh nghiệp cổ phần hóa không ảnh hưởng nhiều đến giá đất dân dụng đô thị. Ngoài ra, ngành thuế và Bộ Tài chính đã có các quy định về thuế đất khá tốt, luật thuế đất không thể giẫm chân lên các quy định của ngành thuế và Luật Đất đai được. Vì vậy tôi cho rằng việc xây dựng luật thuế sử dụng đất là không cần thiết.

Chinh Nguyen <...@yahoo.com>: Tôi là một người đầu tư BĐS ở Hoa Kỳ, nhận thấy giá đất luôn luôn lên là một điều tuyệt vời đối với người đầu tư BĐS. Đánh thuế sử dụng đất cao rõ ràng là một chính sách hữu hiệu, vừa có lợi cho ngân sách nhà nước, vừa có lợi cho người nghèo. Đó là nguồn thu khổng lồ cho các chương trình phúc lợi và an sinh xã hội (giáo dục, làm đường...). Tại sao chúng ta nói hoài mà chưa làm được?

Xung quanh chuyện gửi xe ở trường học, không chỉ là chuyện tự ý tăng giá mà còn nhiều chuyện khác: thái độ của những người làm công việc giữ xe, cách làm việc của họ, sự an toàn ở bãi giữ xe... Và không chỉ ở những trường mà PV Thanh Niên trực tiếp tiếp cận, phản hồi của bạn đọc đề cập đến tình trạng tương tự ở rất nhiều trường, cơ sở giáo dục khác. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu:

Minh A <hoangleminhanh@yahoo.com>: 2.000 đồng, một - hai lần thì chẳng đáng là bao, nhưng nếu ngày nào cũng như thế, thì 1 tháng mất đến gần 60.000 đồng chỉ để gửi xe. Đó là còn chưa nói đến chuyện chỗ gửi xe trồi lên sụt xuống, đất đá không ai lo sửa chữa, mưa là nước lên tới tận đầu gối... Thiết nghĩ cần có những người quan tâm đến vấn đề này.
 
Nguyễn Thúy Hằng <...@yahoo.com>: Được biết, cách đây không lâu có quy định về việc không thu phí gửi xe của người đến giao dịch tại cơ quan nhà nước. Mừng lắm thay! Ấy vậy nhưng tất cả mọi nơi người ta vẫn thu giá cao ngất ngưởng. Các bệnh viện vẫn thu 2 ngàn một xe gắn máy; bãi giữ xe ở các trường học, các sân bãi của cơ quan nhà nước vẫn cứ vô tư như không có quy định kia bao giờ. Chỉ khổ người dân, chưa kịp mừng vui vì thấy Thủ tướng quá quan tâm đến dân nghèo, tiếc rằng tình thương của Thủ tướng chưa được triển khai. Mong sao những quy định của Nhà nước được chấp hành nghiêm!

Luong Tu Ngoc <...@yahoo.com>: Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 2004, khi tôi đang theo học văn bằng 2 ngoại ngữ tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, tôi đã tranh luận quyết liệt với nhân viên giữ xe về giá giữ xe khi họ đòi tôi 2.000 đồng. Họ không trả lời được tại sao họ có quyền tăng giá, nhưng khi ra về tôi phải dắt chiếc xe đi tìm chỗ vá vì lốp xe của tôi bị đâm thủng từ hồi nào, sau khi họ đồng ý tôi chỉ trả 1.000đ. Quá bức xúc, tôi vào phòng Hành chính của nhà trường phản ảnh, cũng được nghe hứa, cam kết sẽ chấn chỉnh, nhưng chỉ là hứa hão!

Le Van T. <...@gmail.com>: Cơ sở B của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tọa lạc góc đường Nguyễn Tri Phương – Đào Duy Từ, nguyên khuôn viên sân của trường được biến thành bãi giữ xe, vây quanh là các dãy lớp học, nhưng không thấy bóng dáng của một bình chữa cháy nào. Để vào được bãi giữ xe có 1 cổng từ đường Nguyễn Tri Phương, 2 từ đường Đào Duy Từ. Việc ghi số cho xe vào chậm trễ, xe phải vượt dốc với độ cao khoảng 1m mới vào được chỗ ghi vé, gây nên cảnh ùn tắc ở đường Đào Duy Từ. Còn lối ra, chỉ 1 duy nhất; giờ tan học thường xuyên kẹt xe trong sân trường (không dưới 30 phút từ khi lấy xe cho đến lúc ra được khỏi cổng trường). Ai giải quyết vấn đề này?

Vương <...@yahoo.com>: Tôi cũng thấy tình trạng tượng tự ở trường tôi đang học (ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TP.HCM). Chỉ mới tăng vào những ngày đầu năm học này thôi (từ 1.000đ lên 1.500đ). Tôi rất bức xúc mà không biết phải làm sao cả. Tôi rất vui khi thấy trên báo Thanh Niên có mục này, vì nó đã giúp tôi cũng như những người giống tôi được giải tỏa bức xúc. Tôi xin chân thành cảm ơn!

nguyen <...@yahoo.com>: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội còn tăng giá gửi xe lên 2.000đ/buổi (gửi xe quá buổi phải trả thêm 2.000đ nữa). Mỗi buổi ở trường có đến hàng ngàn xe, số tiền tưởng nhỏ mà không nhỏ, ai hưởng? 

Nguyễn Văn Quy <...@gmail.com>: Sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM phải gửi xe với giá 3.000 đồng nhưng thỉnh thoảng vẫn không có chỗ để gửi! 

Nhiều ý kiến về các vấn đề khác đã được đăng trong mục Ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: Nguyen Tri Tuan <nguyentrituan@vnn.vn>; Quang VT <quangbnvt@yahoo.com>; Le Hieu <levanhieu@mof.gov.vn>; CHU THICH ANH <AAABBB@HCM.VNN.VN>; Kien lua <hoang_van_khuong@yhoo.com>; Bui Huy Khoa <buihuykhoa@dng.vnn.vn>; Huynh Tan Tuoc <huynhtantuoc@yahoo.com>; Hai <tamhai_147@yahoo.com>.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.