Chớ xem thường bệnh táo bón!

30/10/2006 14:13 GMT+7

Phần lớn nhiều người thường nghĩ rằng, táo bón (TB) là do chế độ ăn uống gây nên, việc chữa trị cũng đơn giản là điều chỉnh chế độ ăn uống. Điều đó chỉ đúng một phần.

Bởi, đây là căn bệnh không đơn giản chỉ là do chế độ dinh dưỡng, mà còn do nhiều nguyên nhân khác, việc chữa trị cũng lắm nỗi gian truân!

Căn bệnh phổ biến

TB là bệnh phổ biến, theo thống kê dịch tễ học tại Mỹ, có 2% dân số nước này mắc bệnh TB, mỗi năm tại Mỹ có từ 2-3 triệu người được các bác sĩ kê toa thuốc nhuận trường, 92.000 ca nhập viện vì bị TB, 900 trường hợp tử vong mỗi năm có liên quan hay kèm theo TB! Còn trong nước, lâu nay chưa có một số liệu thống kê về bệnh TB. Việc chữa trị cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh viện Đại học Y Dược là nơi đầu tiên trong nước có khoa chuyên về chữa trị bệnh TB được đưa vào hoạt động từ năm 2003.

Theo bác sĩ Dương Phước Hưng - Trưởng phân khoa Hậu môn - Trực tràng (Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM): "TB là căn bệnh khá phổ biến, nếu như trong năm 2004, bệnh viện chỉ tiếp nhận 4.000 ca TB đến khám, chữa trị, thì trong năm 2005 tăng lên 12.788 ca, và 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 11 ngàn ca. Trước đây, bệnh TB thường xảy ra ở người già (do nhu động ruột kém), nhưng hiện nay bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, có thể chế độ dinh dưỡng là yếu tố "góp phần" làm gia tăng bệnh TB".

Nguyên nhân gây TB

Theo các nhà chuyên môn, qua nghiên cứu trên 1 ngàn bệnh nhân TB vào năm 2003, người ta thấy rằng, có 59% bệnh nhân TB thuộc dạng TB chức năng (TB chức năng có nhiều nguyên nhân gây ra như: tiểu đường, chấn thương cột sống, cường giáp, ung thư đại tràng, ăn ít chất xơ (dưới 30 gr/ngày), uống ít nước (dưới 3 lít/ngày), dùng thuốc chống trầm cảm, và cả không rõ nguyên nhân...); 25% TB là do tắc nghẽn đường ra ở vị trí hậu môn (do lồng trực tràng - hậu môn; do co thắt cơ mu trực tràng; do đại tràng dài...); 13% là do giảm động đại tràng (do thiếu tế bào trung gian ở dưới niêm mạc và cơ thành ruột; không rõ nguyên nhân); 3% là do kết hợp cả hai (tắc nghẽn đường ra và giảm động đại tràng).

Theo bác sĩ Dương Phước Hưng, trong số bệnh nhân TB đến khám và chữa trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược thường gặp ở 3 dạng lâm sàng về TB đó là: thứ nhất là ít có cảm giác đại tiện, số lần đại tiện ít hơn 2 lần trong tuần, nhưng lúc đại tiện thì dễ dàng, thời gian chưa đến 10 phút, không cần sự "trợ giúp"; thứ hai là đại tiện mỗi ngày nhưng khó khăn, thời gian trên 10 phút, phải cần sự "trợ giúp" như: ép bụng, ép tầng sinh môn, tay ép trong âm đạo, tay đưa vào hậu môn móc phân, thụt tháo, nhuận trường kích thích; và thứ ba là phối hợp cả hai dạng trên.

Chẩn đoán, chữa trị

Để chẩn đoán TB, người ta có thể dùng những phương pháp như: X-quang hoạt động đại tràng; X-quang trực tràng hoạt động; đo áp lực cơ vòng hậu môn; siêu âm hậu môn; đo điện cơ... Có khoảng 41% trường hợp TB có thể chẩn đoán nguyên nhân với các phương tiện chẩn đoán nói trên. Việc chữa trị bệnh TB, theo bác sĩ Dương Phước Hưng là tùy theo nguyên nhân gây TB. Nếu là dạng TB chức năng, thì phần lớn là điều trị nội, TB chức năng việc điều trị có phần "dễ chịu" hơn. Số đông người bệnh lầm tưởng rằng, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống là có thể hết bị TB. Điều đó chỉ đúng với những trường hợp bị TB là do ăn uống ít chất xơ, uống ít nước... Nhưng nếu TB do những nguyên nhân khác như giảm động đại tràng, tắc nghẽn đường ra... thì cần phải can thiệp bằng các thủ thuật hoặc phải phẫu thuật. Có những trường hợp TB chữa trị khó khăn, thất bại.

Bệnh TB không đến nỗi dẫn đến tử vong, nhưng nó làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, công việc (TB gây đầy bụng khiến chán ăn và gây khó chịu khiến người ta dễ cau có!). Nếu để lâu tình trạng TB không chữa trị, thì dễ dẫn đến (hoặc làm nặng thêm) bệnh trĩ. Người mắc bệnh tim nếu để bệnh TB lâu sẽ làm nặng hơn bệnh tim mạch.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.