Té là quỵ luôn

05/11/2008 09:04 GMT+7

Ước tính mỗi năm VN có khoảng 2 triệu người trên 65 tuổi té ngã. Sau khi té ngã, dù không thương tích các cụ vẫn sợ di chuyển, mất tự tin dẫn đến mất tự chủ và phụ thuộc người khác.

Có đến phân nửa các cụ không tự đứng dậy được dù sau té không bị tổn thương gì. Hậu quả của té ngã có ba mức độ: hoàn toàn bình thường; bị tổn thương như gãy xương hông, xương cổ tay, chấn thương đầu; chết. Tử vong năm năm sau té ngã lên đến 50%.

Càng lớn tuổi khả năng té ngã càng cao vì phản ứng của cơ thể thường chậm lại. Ví dụ như khả năng điều chỉnh huyết áp khi thay đổi tư thế đột ngột từ nằm hoặc ngồi sang đứng thẳng, làm lưu lượng máu cung cấp cho não không đủ và kịp thời gây cho các cụ bị xây xẩm, chóng mặt khiến dễ té ngã. Tuổi càng tăng thì dễ mắc nhiều bệnh hơn như tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, lãng tai, bệnh cơ xương khớp…Trong khi đó, sự thăng bằng của cơ thể là sự tích hợp của não bộ với cơ quan tiền đình ốc tai, mắt và sự khỏe mạnh của cơ khớp.

Giày rộng cũng té

Bệnh càng nhiều thì uống càng nhiều thuốc, dễ bị tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ làm té ngã thường do gây ra chóng mặt, tụt huyết áp, buồn ngủ, mất ngủ...

Môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng vì người già không phản ứng nhanh nhẹn như lúc còn trẻ. Các yếu tố như thảm trải sàn không chắc chắn, giày mang không chặt, sàn trơn, bàn cầu thấp không tay vịn làm đứng dậy khó khăn... đều có thể gây nguy hiểm.

Nguy cơ đưa tới té ngã ở người già còn do các yếu tố bên trong. Tổn thương của các giác quan như tai nghe kém, mắt mờ, rối loạn về thăng bằng ở tiền đình ốc tai. Các tổn thương về nhận thức như sa sút trí tuệ. Rối loạn về tâm lý như lo lắng, trầm cảm. Bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bướu giáp. Các bệnh cơ khớp, nhất là của bàn chân…

Các yếu tố bên ngoài cũng góp phần làm các cụ té ngã. Trong nhà có thể thang lầu không có tay vịn an toàn, thiếu ánh sáng, mang giày không vừa, sàn nhà trơn ướt, không có các thanh giữ an toàn trong nhà tắm và nhà cầu, thảm lỏng lẻo, vật dụng hay chó mèo làm vướng víu chân. Những cái bẫy ngoài đường như đường trơn, lề đường không bằng phẳng, xe cộ...

Căn nhà an toàn

Đa số trường hợp gây té ngã xảy ra tại nhà, cần xem lại các hướng dẫn sau để căn nhà của bạn trở nên an toàn hơn cho các cụ:

Thắp đèn đủ sáng để tránh giẫm phải những vật cản trở dưới chân khó nhìn thấy. Trang bị đầy đủ đèn trong phòng ngủ, hành lang, cầu thang và nhà vệ sinh. Thảm lót sàn phải bằng phẳng và bám chặt sàn nhà. Không để dây nhợ dưới nền nhà làm vướng chân khi đi. Làm tay vịn nhà vệ sinh, cầu thang giúp đi đứng dễ dàng. Các vật thường dùng trong nhà không nên cất nơi quá cao hoặc quá thấp, bởi khi nhón chân cao hoặc cúi xuống lấy sẽ dễ gây té. Tránh mang giày rộng.

Giữ cho cơ thể khỏe mạnh là cách tốt nhất để tránh té ngã, cố gắng duy trì sức khỏe theo các chỉ dẫn sau đây: khám mắt hằng năm, cườm và các bệnh khác của mắt có thể là nguyên nhân gây nhìn mờ dễ dẫn đến té ngã; tập thể lực thường xuyên giúp xương chắc khỏe và cơ dẻo dai, tập dưỡng sinh, thái cực quyền sẽ giúp các cụ giữ thăng bằng rất tốt.

Chăm sóc bàn chân mỗi ngày, bàn chân có khỏe mạnh thì bước chân mới vững vàng. Thông báo cho bác sĩ biết tất cả tác dụng phụ của thuốc nếu xảy ra, vì chúng thường là nguyên nhân gây té ngã, nhất là xây xẩm và chóng mặt, càng uống nhiều thuốc chừng nào thì nguy cơ té ngã càng cao. Nếu đi không vững nên dùng gậy chống. Không hút thuốc lá, hạn chế dùng rượu, uống dưới hai ly nhỏ mỗi ngày. Khi muốn bước ra khỏi giường mỗi sáng sớm hoặc thức đêm đi tiểu, nên ngồi cạnh giường vài phút trước khi đứng dậy để cơ thể có đủ thời gian điều chỉnh huyết áp. Nếu đứng dậy thình lình có thể gây chóng mặt, mất thăng bằng dẫn đến té ngã.

Theo BS Nguyễn Thanh Hải/Tuổi Trẻ (BV cấp cứu Trưng Vương)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.