Peter Yarrow, còn gì đẹp hơn...

26/09/2005 21:44 GMT+7

Một sân khấu hết sức giản dị: 20 chiếc ghế để trống, 4 chiếc micro, không phông màn, không ánh sáng rực rỡ, vậy mà Peter Yarrow đã biến khán phòng của Nhà hát TP.HCM trong đêm chủ nhật 25/9/2005 trở nên đẹp đẽ và sôi động bằng chính tiếng hát của ông.

20 chiếc ghế trống đó là ông dành để mời 20 bạn trẻ đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM. Họ sẽ vừa làm khán giả, vừa làm "bạn diễn" của ông trong suốt chương trình. Với mái đầu bạc trắng, cây guitar thùng quen thuộc, Peter Yarrow xuất hiện và bắt đầu cất tiếng hát, bắt đầu kể câu chuyện mà hơn 40 năm qua ông đã đi, đã hát để đấu tranh cho hòa bình, công lý, cho tình nhân loại, cho Việt Nam...

“Chúng ta là một, chúng ta dù là ai thì cũng hãy cùng nắm tay lại để yêu thương nhau, để hiểu nhau hơn” - câu hát trong bài Music speaks louder than words mở màn đã làm cho khán phòng nhà hát trở nên thinh lặng, để rồi sau đó vang dội những tràng pháo tay. Petter cười rất hóm hỉnh; ông nói ông hạnh phúc vì được đứng hát ở Sài Gòn - TP.HCM - nơi mà 40 năm trước nếu ông đứng hát thì chắc sẽ bị... bắt! Ông nói rằng ông không chống lại nước Mỹ, không chống lại người Mỹ, nhưng ông chống lại cái ác, chống lại chiến tranh - nhất là cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. “Nó thật sự là một thảm kịch đối với đất nước chúng tôi", Peter Yarrow nói. Cho nên giờ đây dù tuổi đã cao, ông vẫn muốn đem tiếng hát của mình nhằm xoa dịu những nỗi đau do chiến tranh để lại.  Đến đây thì khán giả như bị "hút hồn" khi ông cất lời ca thật mộc mạc: "Đừng cười trên nỗi đau của tôi - Sâu thẳm trong mỗi người chúng ta đều như nhau - Xin đừng cười tôi - Tôi gầy, tôi béo, tôi cao, tôi thấp, tôi không nghe, tôi không thấy - Phải chăng chúng ta đều như nhau?". (Don't laugh at me). Phải chăng chính vì câu hát này mà ông đã đến với những trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam ở làng Hữu nghị Việt Nam cách đây hơn 6 tháng để hát cho những nụ cười trẻ thơ bị dị dạng, méo mó do di chứng từ chiến tranh? Và phải chăng chính những đứa bé kém may mắn đó đã "kéo" hai vợ chồng ông cùng Quỹ hòa giải & Phát triển (Fund of Reconciliation Development) trở lại Việt Nam lần này để hát gây quỹ cho các nạn nhân chất  độc da cam ở Việt Nam?

Một không khí thật sự lắng đọng khi trong tiếng guitar đều đều của Peter, bà Peter Yarrow đã đọc bài thơ Cuộc đối thoại ở Mỹ Lai (của thượng nghị sĩ Mỹ Mc.Cathy, người từng tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1968 - cũng là ông của bà Peter Yarrow). Nhiều khán giả - trong đó có rất nhiều người Mỹ, đã không giấu được những giọt nước mắt khi nghe: "Em nhỏ Việt Nam kia, em bao nhiêu tuổi? - Em giơ ngón tay lên và nói: Em 6 tuổi - Cha em là kẻ thù của thế giới tự do - Và bây giờ em cũng là kẻ thù của thế giới tự do (...). Thế thôi nhé đứa bé 6 tuổi - Kẻ thù của thế giới tự do - Và người lính nhân danh cho thế giới tự do đã bắn nát lồng ngực bé bỏng của đứa trẻ Việt Nam 6 tuổi". Bà Petter Yarrow cũng đã khóc khi đọc đến những dòng này. Quá khứ vẫn còn đó, nên ai trả lời được nỗi đau kia? Chỉ có con người trong hiện tại là phải bao dung để hàn gắn vết thương đó! Chính vì vậy mà hình ảnh 20 bạn trẻ cùng Peter hòa ca những ca khúc vui tươi, tràn đầy yêu thương như: Puff, the magic dragon,  Day is done trong khi khán giả lần lượt bước lên bục để bỏ vào thùng quyên góp những đồng tiền đầy tình nghĩa (và cả những giọt nước mắt) cho quỹ Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam  càng trở nên tràn đầy ý nghĩa hơn.

Chương trình còn có sự tham gia đầy nhiệt tình của ca sĩ Quang Dũng với 3 ca khúc Tôi ơi, đừng tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn), Em không biết (Thế Hiển), Tôi yêu (Phương Uyên).

Hình ảnh còn đọng lại trên sân khấu trong đêm diễn là Peter Yarrow cùng 20 bạn trẻ và ca sĩ Quang Dũng tay trong tay cùng cất tiếng hát, còn dưới khán phòng tất cả khán giả đều đứng lên và cũng tay trong tay cùng hát vang những lời ngợi ca hòa bình và lòng nhân ái.

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.