Những điểm mới nhất trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân

05/10/2006 00:33 GMT+7

Kinh doanh chứng khoán được bù trừ lỗ, lãi trong một năm. Không thu thuế các trường hợp chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất có một nhà duy nhất. Không thu thuế đối với các khoản thừa kế, cho tặng giữa vợ - chồng; bố mẹ con cái; ông bà - cháu; anh em ruột với nhau...

Đó là những điểm mới trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới nhất đã được Bộ Tài chính công bố. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xung quanh dự thảo này.

* Thưa bà, ngoài việc thay đổi về biểu thuế, dự thảo Luật Thuế TNCN mới còn có những sửa đổi gì khác?

- Chúng tôi đã sửa lại quy định về mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Dự thảo cũ thì có đưa ra 3 mức chiết trừ 50%, 40% và 30%, sẽ khó cho việc tách bạch và quản lý cho nên lần này, chúng tôi áp dụng một mức chiết trừ chung là 40%. Khi dự thảo cũ được đưa ra, cũng có nhiều ý kiến góp ý về việc tính thuế với phần lãi từ chuyển nhượng, mua bán chứng khoán, góp cổ phần là lỗ vẫn thu mà lãi không được trừ thì lần này có sửa lại là kinh doanh chứng khoán được bù trừ lỗ, lãi trong một năm: đối tượng nộp thuế sẽ tạm nộp 0,1% trên giá trị chuyển nhượng, cuối năm quyết toán để tính thuế. Chúng tôi cũng sửa quy định về chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, sẽ không thu thuế các trường hợp chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất có một nhà duy nhất. Việc thu thuế với các khoản thừa kế, quà biếu, quà tặng cũng có thay đổi: chúng tôi quy định các khoản thừa kế, cho tặng giữa vợ-chồng, giữa bố mẹ và con cái, giữa ông bà và cháu, anh em ruột với nhau thì không thu.

"Dự thảo lần trước phần giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (được coi là khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng) được đưa vào biểu thuế và áp dụng thuế suất 0%. Do đó khi xác định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế để xác định thu nhập tính thuế  thì chỉ lấy thu nhập chịu thuế trừ phần giảm trừ cho người phụ thuộc (nếu có) mà không trừ cho người nộp thuế (vì đã đưa vào biểu với thuế suất 0% rồi) sau đó nhân với thuế suất quy định trong từng bậc thuế để xác định mức thuế nộp.

Lần này, Ban soạn thảo đề xuất cách tính thuế đơn giản hơn bằng cách thiết kế lại biểu thuế theo nguyên tắc: toàn bộ mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc được trừ vào thu nhập chịu thuế để xác định thu nhập tính thuế sau đó mới xác định mức thuế nộp theo biểu thuế.

Ví dụ, một người có thu nhập là 10 triệu đồng/tháng, có 2 con sẽ được giảm trừ 7,2 triệu đồng (4 triệu đồng cho bản thân và 3,2 triệu đồng cho 2 con). Thu nhập tính thuế chỉ 2,8 triệu đồng, thuế suất 5%. (10 triệu đồng - 7,2 triệu đồng) x 5% = 140.000 đồng. Nếu theo dự thảo cũ số tiền thuế nộp sẽ là 180.000 đồng"  - Bà Nguyễn Thị Cúc

* Còn với các khoản tiền gửi tiết kiệm thì sao ? Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tính thuế này sẽ làm cho thuế chồng lên thuế và sẽ khiến nhiều người không gửi tiền vào ngân hàng nữa. Và cũng rất khó thu nếu như người gửi tiền chia nhỏ các khoản tiền gửi, gửi nhiều ngân hàng khác nhau? Trên thực tế thì ở nhiều nước người ta không tính thuế với lãi gửi tiết kiệm?

- Dự thảo lần này chúng tôi cũng có sửa đổi là chỉ thu thuế với các khoản thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm trên 5 triệu đồng/tháng. Ví dụ với lãi suất 0,7%/tháng, người có sổ tiết kiệm 700 triệu đồng chưa phải nộp thuế và người có sổ tiết kiệm 800 triệu đồng/tháng chỉ phải nộp có 30.000 đồng (5,6 triệu - 5 triệu đồng x 5%...). Đó là mức thu rất thấp và tôi không nghĩ là chỉ vì thế mà người ta không gửi. Và với cách tính của chúng tôi thì không phải là thuế chồng lên thuế mà vẫn chỉ tính một lần duy nhất.

* Dự kiến bao giờ dự thảo được đưa ra lấy ý kiến của người dân?

- Sau khi trình xin ý kiến Quốc hội, chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi của người dân về dự thảo.

Biểu thuế lũy tiến từng phần trong dự thảo Luật Thuế TNCN mới

Mạnh Quân - Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.