“Vừa kiểm định, vừa công nhận thì làm sao khách quan”

11/11/2009 00:53 GMT+7

Đó là nhận định của ông Nguyễn Quang Toản - Viện trưởng Viện Kiểm định và phát triển chất lượng, Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM (ảnh). Ông nói:

>> Cứ kiểm định là... đạt chất lượng!

- Theo thông lệ của thế giới thì người công nhận và người kiểm định, trường được kiểm định phải là ba bên độc lập với nhau. Chúng tôi gọi là quy tắc ba bên. Tôi cho rằng 10 tiêu chuẩn kiểm định và công nhận chất lượng trường ĐH của Bộ GD-ĐT chính là một hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng giáo dục. Căn cứ vào tiêu chuẩn của Bộ hoặc tiêu chuẩn của Chính phủ... ở những thời điểm nhất định, đơn vị kiểm định độc lập kiểm định các trường. Sau đó, dựa trên những biên bản kiểm định ấy, Bộ sẽ phán quyết việc kiểm định có tin tưởng hay không, phán quyết về  trường được kiểm định đã đạt yêu cầu hay chưa để ra quyết định công nhận. Người kiểm định là người không nên thuộc Bộ GD-ĐT. Việc kiểm định độc lập thì mới trung thực, khách quan. Chúng tôi nghĩ là Bộ nên tách bạch việc đó ra. Như vậy những sai lầm sẽ bớt đi.

* Theo ông, việc Bộ GD- ĐT quy định chỉ có một mức đạt và không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong kiểm định thì có thực sự phù hợp với các trường ĐH của nước ta hay không?

- Theo tôi cũng có thể quy định mức đạt và không đạt nhưng phải sòng phẳng và minh bạch các mức đó ra. Nếu Bộ quy định chỉ có một cấp độ để công nhận thì phải công bố công khai với các trường ngay từ khi đánh giá chứ sao lại đánh giá một đằng, công nhận một nẻo như vậy được. Việc chỉ có một cấp độ mà các trường đạt được thì càng tốt. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, theo tôi nghĩ sẽ có nhiều trường không đạt. Có rất nhiều nơi hệ thống quản lý, đánh giá rất kém mà vẫn đạt thì tôi không hiểu nổi. Trường đã quản lý không đạt thì làm sao mà đạt chất lượng được. Vì vậy, trong hoàn cảnh của Việt Nam, theo tôi nên để các cấp độ như quy định ban đầu là tốt hơn. Chúng ta phân theo các cấp độ sẽ có cái lợi vì trình độ của chúng ta còn thấp. Họ đạt cấp độ 1 sẽ phấn đấu lên cấp độ 2, đạt  cấp độ 2 sẽ phấn đấu lên cấp độ 3. Về vòng đời kiểm định được quy định là 5 năm nhưng theo tôi nghĩ chỉ nên quy định 3 năm. Chất lượng thay đổi từng ngày từng giờ mà để 5 năm thì tôi thấy quá chậm.

* Ông có nhận xét gì về mẫu giấy chứng nhận kiểm định của Bộ hiện nay. Liệu nó có phù hợp với kết quả kiểm định hay không khi chỉ có một nội dung là công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng?

- Về giấy công nhận chất lượng của Bộ, tôi thấy không ổn. Giấy chứng nhận kiểm định nhưng dưới lại là công nhận. Tên tiếng Anh sẽ không hiểu được vì kiểm định và công nhận là khác nhau. Phải thay lại đây là giấy chứng nhận công nhận chất lượng giáo dục. Bộ chỉ công nhận thôi. Kiểm định sẽ là một bên khác không phải là Bộ. Đơn vị kiểm định sẽ kiểm định cả những cái được gọi là bất cập của Bộ. Như thế thì mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn về chất lượng hiện nay, chứ để Bộ vừa kiểm định, vừa công nhận thì làm sao mà khách quan được.

* Thưa ông, vừa qua Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho rằng đã công khai kết quả kiểm định vì đã họp với nhiều đơn vị và đã gửi kết quả đến cho các trường. Theo ông như thế có được xem là công khai hay không?

- Công khai nghĩa là phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng cho mọi người giám sát. Tất cả những người làm kiểm định chúng tôi đã chờ đợi mấy năm nay rồi nhưng có được biết đâu. Trong khi đó Tổng cục Dạy nghề làm kiểm định sau rất nhiều nhưng họ đã  công bố công khai lâu rồi. Tôi nghĩ là Bộ nên công khai tất cả những thứ đó ra. Không có gì là không công khai được. Tại sao kết quả kiểm định lại không công khai được thì vì lý do gì? Từ việc kiếm định này, tôi muốn trở lại việc trường ĐH Phan Thiết. Tôi đề nghị Bộ không nên làm cái việc đi thẩm định việc mở trường. Nên để cho các trường thuê các đơn vị thẩm định độc lập. Nếu sau này kết quả thẩm định mà Bộ không công nhận thì trường phải thuê đơn vị thẩm định khác vào làm cho khách quan. Để kiểm định, thẩm định cho tốt, tôi đề nghị Bộ hết sức tôn trọng quy tắc ba bên trong quản lý.

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.