Tăng hiệu quả đầu tư

28/10/2006 23:51 GMT+7

Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội cũng như bảo vệ, cải thiện môi trường. Yêu cầu tăng trưởng cao để chống nguy cơ tụt hậu xa hơn, để thoát khỏi nước kém phát triển vào trước năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải có một lượng vốn đầu tư rất lớn. Để biết lượng vốn đầu tư thế nào là lớn, người ta so nó với GDP, tức là xem tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP là cao hay thấp?

Xét theo khía cạnh này, việc chuyển đổi kinh tế sang sản xuất hàng hóa nhiều thành phần kinh tế, trong đó có việc khai thác nguồn vốn đầu tư phát triển; việc đổi mới ở trong nước cùng với việc mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng hơn trong điều kiện toàn cầu hóa cũng như dung lượng thị trường đầy tiềm năng và đang lớn lên..., đã có tác động thu hút một lượng không nhỏ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (nguồn vốn ngoài nhà nước đã chiếm trên một phần ba tổng nguồn, nguồn vốn FDI đăng ký tính từ năm 1988 đến hết tháng 9.2006 đạt khoảng 71,5 tỉ USD, thực hiện đạt khoảng 36 tỉ USD, nguồn vốn ODA cam kết đạt trên 34 tỉ USD, giải ngân gần 17 tỉ USD, tính ra chỉ 2 nguồn FDI và ODA thực hiện đã tương đương GDP năm 2005). Kết quả, tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP đã gia tăng nhanh chóng (nếu năm 1995 mới đạt 31,7%, năm 2000 đạt 34,2%, thì năm 2005 đã đạt 40%) và khả năng năm 2006 sẽ đạt 41% - một tỷ lệ thuộc loại cao đứng hàng đầu trên thế giới, có chăng chỉ thấp thua tỷ lệ trên dưới 44% của Trung Quốc.

Thu hút được lượng vốn lớn và gia tăng nhanh là một thành công lớn, đã góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao đứng hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư lại còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Những vấn đề lớn đó là:

Thứ nhất, hiệu quả đầu tư còn thấp. Hiệu quả đầu tư được thể hiện tổng hợp ở suất đầu tư tăng trưởng, thường được tính bằng cách chia tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cho tốc độ tăng trưởng GDP. Suất đầu tư tăng trưởng năm 2006 đã lên tới khoảng 5 lần (tức là để tăng 1% GDP thì tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP phải đạt 5%), cao hơn suất đầu tư  4,7 lần của năm 2005, còn cao hơn nữa so với 3,3 lần của năm 1995 và cao gấp rưỡi của Trung Quốc, Ấn Độ. Vốn cao hơn nhưng tăng trưởng lại thấp hơn, suất đầu tư tăng trưởng tăng, hiệu quả đầu tư thấp và giảm.

Thứ hai, hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước thấp hơn khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Suất đầu tư tăng trưởng năm 2005 của khu vực kinh tế nhà nước lên tới 7,4 lần, của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 3,4 lần, của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 3 lần; đã vậy so với năm trước, xuất đầu tư tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước còn tăng, trong khi của hai khu vực còn lại giảm (tương ứng năm 2004 là 6,8 lần, 3,7 lần và 3,4 lần).

Hiệu quả đầu tư thấp do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân thuộc khâu quy hoạch với hai hạn chế lớn nhất là quy hoạch chưa đồng bộ, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch ngành với quy hoạch vùng lãnh thổ, vừa có sự co kéo, nể nang gây trùng chéo, dàn trải...; là tầm nhìn xa, trông rộng còn hạn chế; quy hoạch treo... Có nguyên nhân do tình trạng có nhiều công trình, dự án chưa có kế hoạch, chưa có thiết kế được duyệt, chưa có vốn đã thi công, gây ra nợ đọng lớn và gia tăng. Tình trạng nợ đọng lớn chẳng những gây khó khăn, thậm chí làm cho các đơn vị thi công đứng trước nguy cơ phá sản, mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của năm sau, bởi dù kế hoạch năm sau có lớn hơn năm trước thì khối lượng thi công cũng không tăng tương ứng do phải bỏ ra một số vốn lớn để trả nợ khối lượng thi công những năm trước.

Có nguyên nhân do tình trạng thất thoát, đục khoét vốn đầu tư xây dựng đang rất phổ biến và nghiêm trọng, gần như ở công trình nào, ở khâu nào cũng có. Sự thất thoát này lại do nhiều nguyên nhân: có nguyên nhân do cơ chế xin - cho, do khép kín... Có nguyên nhân do tình trạng thi công kéo dài, làm cho công trình vừa chậm thu hồi vốn, lỡ thời cơ, làm cho lượng vốn đầu tư lớn hơn nữa do giá cả tăng, do lãi chồng lên vốn, nhất là nguồn vốn vay (ODA, công trái...) vì phải tính hoặc trả lãi ngay từ ngày vay. Có nguyên nhân do chi phí giải phóng mặt bằng vừa quá lớn, vừa kéo dài lại càng làm cho chi phí đó lớn hơn nữa. Có nguyên nhân do tình trạng đầu tư theo phong trào, đầu tư tự phát diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều sản phẩm, ngay cả ở chương trình mục tiêu, gây ra tình trạng "trồng - chặt"...

Nếu khắc phục được những hạn chế bất cập trên thì hiệu quả đầu tư sẽ được nâng lên, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.