Doanh nghiệp Duy Lợi: Tự vệ thành công trên đất Mỹ

13/10/2005 23:11 GMT+7

355 ngày sau hành trình khởi kiện đầy cam go để bảo vệ kiểu dáng võng xếp của mình tại Mỹ, ông Lâm Tấn Lợi - Giám đốc DNTN Duy Lợi đã nở nụ cười chiến thắng khi nhận được phán quyết của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), với nội dung hủy bỏ văn bằng bảo hộ của ông Chung Sen Wu (Đài Loan), người bị ông Lợi khởi kiện vì đã "sao chép" lại khung võng xếp Duy Lợi.

Cách đây 2 năm, ông Lâm Tấn Lợi đã thành công sau 5 tháng theo đuổi vụ kiện một doanh nhân người Nhật là ông John Miki xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp "khung võng xếp". Giữa tháng 3.2004, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh (P&LD) - cơ quan đại diện cho quyền lợi của ông Lâm Tấn Lợi - lại phát hiện trên một trang web (có xuất xứ từ Mỹ) giới thiệu một loại khung võng gấp giống y hệt khung võng kiểu 1 của Duy Lợi (đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam). Khung võng xếp này của ông Chung Sen Wu (Đài Loan) đã được USPTO cấp Bằng sáng chế độc quyền (BSCĐQ) ngày 22.10.2002. Điều này có nghĩa bất cứ loại võng xếp nào có kiểu dáng tương tự sẽ bị ngăn chặn ngay nếu muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ. Hành trình tự vệ của Duy Lợi bắt  đầu...

Tháng 5.2004, P&LD đã tiến hành các bước cần thiết để yêu cầu USPTO hủy hiệu lực BSCĐQ đã cấp cho ông Wu do ngày nộp đơn của ông Wu (15.8.2001) muộn hơn ngày công bố của đơn xin cấp bằng kiểu dáng công nghiệp đối với khung võng xếp của ông Lợi hơn 1 năm. Luật sư Dương Tử Giang thuộc Văn phòng P&LD nhớ lại: "Do bản công bố trong Công báo Việt Nam có chất lượng không cao nên không thể nhìn thấy rõ một số chi tiết của khung võng Duy Lợi. Chính vì vậy, để có thể yêu cầu hủy BSCĐQ do USPTO cấp cho ông Chung Sen Wu, Văn phòng P&LD  phải tiến hành tra cứu trong các cơ sở dữ liệu, nghiên cứu hàng ngàn kiểu khung võng khác nhau trên thế giới để tìm bằng chứng nhằm chứng minh rõ ràng rằng kiểu khung võng do ông Chung Sen Wu đăng ký thực chất là sao chép khung võng Duy Lợi". Ngày 29.9.2004, thay mặt Duy Lợi, P&LD đã nộp đơn tới USPTO yêu cầu hủy BSCĐQ đã cấp cho ông Wu với lý do là "Bằng kiểu dáng Việt Nam có ngày công bố sớm hơn ngày nộp đơn của ông Wu và điều này đã hoàn toàn không được xem xét trước khi cấp BSCĐQ cho ông Wu".

Gần 3 tháng sau, ngày 14.12.2004, USPTO đã ra thông báo chấp nhận xem xét lại BSCĐQ đã cấp cho ông Wu. Theo USPTO, có cơ sở để cho rằng Bằng kiểu dáng Việt Nam đã được cấp cho ông Lâm Tấn Lợi có thể  "làm nảy sinh một vấn đề mới về bản chất đối với khả năng bảo hộ" đối với BSCĐQ đã được cấp tại Mỹ. Và USPTO cũng ấn định trong vòng 2 tháng  (tức là phải trước ngày 14.2.2005) ông Wu có quyền có ý kiến bảo vệ BSCĐQ đã được cấp cho mình. Nếu ông Wu không có ý kiến gì thì USPTO sẽ đưa ra phán quyết. Sau một thời gian giám định tỉ mỉ những chi tiết liên quan đến loại khung võng xếp của cả hai bên và rà soát lại các thủ tục cần thiết, giám định viên Matthew C.Graham thuộc USPTO đã có biên bản tái xét lại khung võng xếp và kết luận về việc xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của ông Wu đối với khung võng xếp Duy Lợi. Ngày 19.9.2005, USPTO đã công bố phán quyết hủy bỏ yêu cầu bảo hộ đối với khung võng xếp của ông Chung Sen Wu.

Theo luật sư Dương Tử Giang, chiến thắng của Duy Lợi là tiền lệ tốt cho thương hiệu Việt khi bị xâm phạm quyền sở hữu ở nước ngoài.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.