Khi người đẹp làm “đại sứ”

13/10/2007 21:45 GMT+7

Thời gian gần đây, việc chọn những người đẹp nổi tiếng làm “đại sứ” cho các tổ chức từ thiện hay thương hiệu sản phẩm ngày càng phổ biến. Và những người đẹp được gì, mất gì sau khi trở thành “đại sứ”?

Một buổi trưa hè oi bức, nơi căn phòng nhỏ hẹp của studio trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM, người mẫu P. trong trang phục thật “hot”, người nhễ nhại mồ hôi, gương mặt... lờ đờ (vì mệt) đang cố gắng thể hiện cảm xúc. Bộ đồ ngủ mỏng tang trên người cô sao lại nặng nề quá. Theo tâm sự của P. thì nó “nặng nề” bởi lẽ những bức ảnh hấp dẫn này sắp được dựng lên thành một poster hơn chục mét. Thật ra P. không phải ngại cực trong những lần chụp ảnh như thế này (vì bị trình làng trước bàn dân thiên hạ từng đường cong trên cơ thể) mà là vì cô cảm thấy “không an toàn”. Nỗi ám ảnh về hàng loạt tấm ảnh hơi “hot” của các người mẫu trước đây bị đẩy lên

internet, rồi bị ghép, xử lý thành những tấm hình hở hang khiến P. lo ngại. Rồi chuyện một số người mẫu bị thực hiện sai hợp đồng trong việc sử dụng và quảng bá cho các thương hiệu nhạy cảm; hay chuyện bị bạn bè cho rằng vì “ham tiền” mà người mẫu cho phép thực hiện nhiều bộ sưu tập ảnh nóng bỏng... Nhưng biết làm sao khi mà thù lao cho một lần chụp các loạt hình như thế từ 400 - 1.000 USD. Đó mới chỉ là việc trở thành “đại sứ” về hình ảnh, nếu người đẹp “chịu khó” bao thầu luôn việc quảng bá thương hiệu bằng các video clip thì số tiền họ nhận được có thể lên đến 2.000 - 3.000 USD.


Mai Phương Thúy trong vai trò Đại sứ của Quỹ phòng chống thương vong châu Á - Ảnh: C.T.V

Nhắc về chuyện trở thành “đại sứ” cho các thương hiệu trong và ngoài nước, một nhóm người mẫu cho biết: “Được lợi cũng nhiều mà mất cũng nhiều. Được là thù lao khá hậu hĩnh (nếu thương hiệu nước ngoài), còn mất thời gian, công sức và mất cả những show diễn khác”. Bởi lẽ một khi chấp nhận trở thành “đại sứ” thì ngoài những buổi chụp ảnh, quay phim, người đẹp còn phải theo chân các chủ thương hiệu đến bất kỳ nơi đâu họ cần.

Một người mẫu thuộc hàng “sao” tâm sự: “Biết khổ như thế tôi đã chẳng nhận lời làm đại sứ cho 2 thương hiệu xe máy. Khi bước vào giai đoạn quảng bá cao trào, tôi phải tuân theo “lệnh” của họ - ngay cả cách đi, cách đứng, cách trò chuyện. Nhiều lúc mình không còn là mình nữa”. Người mẫu Trúc Diễm (một trong những gương mặt đắt show quảng cáo nhất hiện nay) thì tâm sự, cô rất đau đầu khi bị đồng nghiệp hiểu nhầm cho là cô muốn nhanh chóng kiếm tiền nên bất chấp thương hiệu, giá cả; thậm chí “phá giá”...

Ngoài các doanh nghiệp, thời gian qua nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước cũng đã “nhờ” đến nhan sắc người đẹp để các hoạt động của mình hiệu quả hơn. Vừa qua, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIPF) đã chọn Hoa hậu Mai Phương Thúy làm đại sứ và tổ chức Vì nụ cười trẻ thơ (Operation Smile) cũng chọn cô cho hàng loạt hoạt động của mình. Với vai trò đại sứ cho 2 tổ chức này, Mai Phương Thúy sẽ được hưởng một khoản cát-sê hậu hĩnh?


Người mẫu Xuân Lan được nhiều nơi mời làm “đại sứ” cho nhãn hàng của mình - Ảnh do người mẫu cung cấp

Thực tế không phải vậy. “Tôi làm đại sứ cho 2 tổ chức trên hoàn toàn mang tính từ thiện. Họ đã chọn tôi với mong muốn nhắn gửi đến cộng đồng những thông điệp vì nụ cười trẻ em, vì sự an toàn của cuộc sống. Theo tôi, khi được mời trở thành đại sứ cho một thương hiệu, một tổ chức nào đó, mình cần cân nhắc thật kỹ. Không thể cứ được mời là nhận. Biết rằng mình sẽ có được một khoản tiền khi trở thành đại sứ cho các nhãn hàng, nhưng những nhãn hàng ấy đừng quá nhạy cảm. Tôi đã từng từ chối nhiều lời mời vì lý do này”, Mai Phương Thúy nói.

Có thể thấy rằng nhu cầu chọn người đẹp để tôn vinh thêm thương hiệu và tạo hiệu quả về mặt xã hội là điều cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ lúc nào hình ảnh người mẫu, người đẹp cũng được “trình” ra trước mặt mọi người với nhiều góc độ khác nhau. Xem ra câu chuyện trở thành “đại sứ” của các người đẹp không phải lúc nào cũng toàn màu hồng. 

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.