Làng “Thần đèn” ở miền Tây

30/10/2006 10:53 GMT+7

Cả làng làm “Thần đèn” là sự thật 100% ở cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang. Điều đáng ngạc nhiên: tất cả họ là những nông dân chưa ai học qua trường lớp ngày nào. Vậy mà hàng ngày vẫn tung hoành khắp ĐBSCL và các tỉnh miền Đông để dời nhà 2 - 3 tầng lầu êm ru!

Cả xã làm nghề... dời nhà

Từ trụ sở UBND xã Long Điền B đi về hướng thị trấn Chợ Mới, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng chục tấm bảng quảng cáo của các đội dời nhà. Anh Nguyễn Thành Trung, chủ tịch UBND xã Long Điền B, quả quyết: “Chỉ riêng ở xóm này, chí ít cũng hơn 10 đội chuyên dời nhà, chỉ cần a-lô là họ có mặt. Mà nè, tất cả đều là nông dân “Hai lúa 100%”, học hành chưa hết trường làng; hổng có ông nào là kỹ sư hay đại học gì cả, nhưng dời nhà “số 1” đó nghen!”.

Ghé đội dời nhà Tám Bé, ngay lúc cả đội đưa “đồ nghề” xuống ghe chuẩn bị lên đường. Anh Tám Bé, chỉ huy đội, vui vẻ cho biết: “Mấy tháng nay, công việc bù đầu, làm không nghỉ. Vừa từ Sóc Trăng về, lại đi tiếp Đồng Tháp dời nhà cho bà con, rày đây mai đó ít được ở nhà với vợ con lắm…”. Thật ra, nghề dời nhà đến với Tám Bé và nhiều người khác rất ngẫu nhiên. Những năm 1990 - 1995, phong trào làm đường giao thông và đê bao ngăn lũ ở Chợ Mới phát triển mạnh. Nhiều nhà dân buộc phải di dời hoặc bị con lộ mới nâng cao 4m nhấn chìm thấp hơn mặt đường trông khó coi.

Nhiều người than thở, đúng là “khôn cất trại, dại cất nhà…”. Thấy bà con than cũng động lòng. Ban đầu Tám Bé cùng với Ba Xiêng, Ba Na và một số người khác bàn chuyện dời nhà, nâng nhà giúp bà con, vợ anh nghe được nổi cáu: “Mấy cha đàn ông, cứ nhậu vô vài xị rồi nói chuyện tào lao, dời nhà chớ đâu phải chuyện đùa, bộ tính làm… thần đèn hả?”. Tám Bé cùng mấy bạn nhậu chẳng nói chẳng rằng nhưng quyết chí làm thử một phen. Ban đầu, toàn đội thống nhất chọn nhà nhỏ của anh Hai Hùng dời trước rút kinh nghiệm.

Lên phương án xong, cả bọn xúm vào đào đất xung quanh nhà, vô nề, lót ván, cắt chân, làm đường bỉ, chằng dây… rất bài bản. Dù vậy, đến lúc dời nhà thì người nào cũng lo, chẳng biết căn nhà có chịu theo vị trí định sẵn hay đổ sập nửa chừng sẽ mang họa vào thân. Nhưng rồi mọi việc trót lọt, căn nhà được dời đi an toàn trước sự vỗ tay tán thưởng của hàng trăm người.

Sau thành công đó, kích thích nhiều người mạnh dạn “dời nhà”. Hàng loạt căn nhà ở Chợ Mới và các nơi xa được nâng cao 3 - 4m vượt lũ, hay dời sang nơi khác tránh việc đập bỏ tốn kém. Từ dời nhà gỗ đến nhà tường nhỏ, rồi nhà lớn 1 lầu, 2 lầu… Ngoài Tám Bé thì Hai Hùng, Hai Liêm, Ba Na, Chín Cọp… cũng đứng ra thành lập đội dời nhà. Mở hướng sang Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang… làm ăn, tạo nên “làng dời nhà” độc đáo ở cù lao Chợ Mới.

Dám nghĩ, dám làm

Cù lao Chợ Mới hiện có khoảng 20 đội dời nhà, thực hiện các công trình từ nhà kiên cố đến đình, chùa, cơ quan, trường học… thậm chí kéo cả sà lan từ bờ xuống sông để hoạt động. Có thể nói, sự ra đời của những “thần đèn” ở Chợ Mới đã đem lại niềm vui cho nhiều bà con. Hàng loạt nhà kiên cố và những công trình lớn được di dời an toàn, không phải đập phá khi vướng quy hoạch. Ngoài hiệu quả kinh tế to lớn, nó còn chứng minh khả năng sáng tạo của những nông dân “hai lúa”, làm chuyện phi thường.

Nhớ lại những bước chập chững vào nghề, Chín Cọp nói vui: “Nghe tên Chín Cọp thì dữ dằn nhưng buổi đầu run lắm chỉ dám làm những công trình nhỏ thôi. Dần dần rồi quen, nâng bổng những công trình “bự” nặng vài trăm tấn như chơi”. Anh Tám Bé kể: “Hôm xuống huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng lãnh dời chùa Ông - chùa Bà, ai cũng bảo tụi tui... điên”.

Nghe nói, chùa này xây dựng trên 100 năm, ngang 25m, dài 17m. Chùa lúc xây không làm đà và bị xuống cấp nặng, có thể sập bất cứ lúc nào, không dời được. Thực tế đã có nhiều người đến rồi rút lui, nhưng Tám Bé quyết định dời. Anh huy động lực lượng gần 30 người, tiến hành đào sâu hai bên vách, sau đó đổ đà kềm lại, giữ chùa đứng vững.

“Ngày di dời ngôi chùa đi xa 17m, nâng cao 1,5m, có gần 600 người đến xem, ai cũng nói tui làm chuyện… tề thiên”. Năm trước, nhà bà Nhung ở Châu Phú (An Giang), trị giá hàng trăm triệu đồng, lọt vào vị trí làm đường. Đội dời nhà Tám Bé đến nghiên cứu địa hình, chỉ mất 2 tuần căn nhà dời xong, trong sự vui mừng khôn tả của chủ nhà.

Trong những “Thần đèn”ở cù lao Chợ Mới, thì Hai Liêm được xem là thế hệ trẻ “táo bạo” dám nghĩ dám làm. Trước khi đi dời nhà, Hai Liêm nghèo rớt mồng tơi, hết đi làm công cho máy xay xát thì ra đồng gặt lúa thuê… Lúc nông nhàn, xin đi theo các đội dời nhà khiêng cây, đào chân cột, vác, tháo lắp giàn trượt… Thuốc dạy thầy - cây dạy thợ, chẳng bao lâu Hai Liêm bộc lộ năng khiếu và tỏ ra bản lĩnh trong việc dời nhà.

Bạn bè động viên, Hai Liêm đứng ra thành lập một nhóm riêng, hàng ngày tung hoành khắp đồng bằng dời nhà không nghỉ. Hai Liêm bộc bạch: “Nói thật, hồi nhỏ đi học tui dốt đặc nhưng giờ tính toán tải trọng của móng nhà, gối đỡ giàn trượt, xác định móng… dễ ợt. Đâu ai dạy, chỉ cần có ý làm lâu ngày thành quen”. Mấy năm nay, anh cùng các đồng sự thực hiện êm xuôi hàng trăm công trình lớn nhỏ ở ĐBSCL. Theo anh, chuyện dời nhà bây giờ không còn khó nữa.

Ngoài việc nâng cao và di dời thì chất lượng công trình sau khi hoàn thành mới quyết định kết quả. Anh Tám Bé cho biết: “Sau khi hoàn tất các phần việc, nhà gỗ thì không gì để lo, nhưng nhà có tấm (tầng) phải đảm bảo tuyệt đối không răn nứt và còn bảo hành có thời hạn cho họ”. Trong quá trình dời nhà, bao giờ cũng ràng buộc trách nhiệm, bởi ở nông thôn căn nhà là tài sản vô giá của bà con. Do đó, nếu vô tình làm hư cột, nứt tường… thì dù có sửa lại bà con cũng không vui. Chưa kể, người dời nhà sẽ bị mất uy tín, thậm chí… thất nghiệp (!?).

Dù vậy, chi phí di dời mà các “thần đèn” nhận được rất thấp, trung bình chỉ 10% - 20% giá trị. Nhưng ai cũng vui, bởi ngoài việc mưu sinh họ rất yêu nghề. Hiện tại, giá thực hiện việc nâng nền cao 1m đối với nhà gỗ là 1 triệu đồng, nhà bê tông 5 - 10 triệu đồng/nhà….

Theo Tân Thành - N.Ngoc/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.