Đau đầu nguồn vốn cuối năm

25/10/2011 16:21 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị nguyên vật liệu, hàng hóa để sản xuất cho mùa kinh doanh tết. Tuy nhiên, bài toán về vốn để tăng cường cho lượng hàng dự trữ này vẫn nan giải.

Nếu như ở thời điểm cuối năm 2010, hệ thống siêu thị Thế giới di động chỉ có khoảng 70 siêu thị trên toàn quốc thì đến cuối năm nay, hệ thống này sẽ có tổng cộng 200 siêu thị điện thoại và khoảng 10 siêu thị điện máy. Mức độ tăng trưởng chóng mặt trong năm nay khiến công ty phải lo đảm bảo nguồn tài chính. Ông Đinh Anh Huân - Giám đốc kinh doanh hệ thống Thế giới di động cho biết - ngoài việc vay vốn từ ngân hàng thì công ty đã chủ động tăng vốn điều lệ từ các cổ đông hiện tại để đủ đáp ứng cho nhu cầu hoạt động. Riêng nguồn vốn cần cho tháng giáp tết chủ yếu là vốn ngắn hạn, công ty sẽ vay từ các ngân hàng và đàm phán gia tăng hạn mức nợ từ phía các nhà cung cấp. “Lãi suất của ngân hàng dù không giảm thì đến thời điểm cần thiết, chúng tôi cũng phải chấp nhận vay để có đủ lượng hàng bán ra khi nhu cầu gia tăng. Vì vậy hy vọng những tháng tới lãi suất cho vay sẽ giảm khá hơn để hiệu quả kinh doanh của DN gia tăng, bù lại phần nào cho những tháng đầu năm”, ông Đinh Anh Huân nói.

Đối với những đơn vị sản xuất như Công ty Giấy Sài Gòn, hoạt động phải được đảm bảo liên tục chứ không riêng gì đến gần tết mới trữ hàng. Theo ông Cao Tiến Vị - Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, trong những tháng qua, các DN cố gắng giảm lượng hàng tồn kho đến mức tối thiểu thì từ nay đến tết, có thể cần gia tăng hàng tồn kho cho mùa tiêu thụ cuối năm. Thông thường, những đơn vị sản xuất phải chuẩn bị nguyên vật liệu trong kho gối đầu từ 2-3 tháng để sản xuất. Với lãi suất cao trên 20% như hiện nay, doanh nghiệp khó đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, thời điểm cuối năm ngoài việc gia tăng nguyên vật liệu, hàng hóa khi sức tiêu thụ tăng, thông thường các DN cũng phải thanh toán nhiều công nợ. Do đó, nguồn vốn cần có luôn cao hơn những tháng khác rất nhiều. “Nếu quá lạc quan thì dễ dẫn đến hiện tượng hàng hóa tồn kho quá nhiều khiến chi phí tài chính cũng gia tăng mạnh. Tôi nghĩ với những chương trình kích cầu mà các thành phố lớn đang áp dụng thì doanh nghiệp chỉ cần hỗ trợ lãi suất trong 1-2 tháng cao điểm cuối năm cũng sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá trên thị trường khá tốt. Đồng thời DN cũng sẽ đạt hiệu quả để tái sản xuất tốt hơn”, ông Cao Tiến Vị nói.

Với các DN, cơ sở kinh doanh nhỏ, bài toán vốn càng thêm khó khăn. Chị Thanh Mai - chủ một cơ sở may tại Q.Tân Phú, TP.HCM - cho biết, đây là thời điểm đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng cho mùa lễ Noel, rồi đến Tết dương lịch và Tết âm lịch. Thế nhưng lãi suất ngân hàng đưa ra khi chị tham khảo vẫn ở mức 22%/năm nên chị cũng chưa dám mạnh dạn vay để trữ nguyên vật liệu. Từ đầu năm đến nay, những cơ sở may như chị Mai cũng đã chịu cảnh cắt giảm bớt công suất, giảm bớt nhân công vì sức tiêu thụ thấp. Chị Mai tâm sự: “Chúng tôi đang hy vọng mùa kinh doanh cuối năm sẽ khởi sắc hơn để bù đắp lại phần nào những hao hụt trước đây. Nhưng nếu mình không có vốn để chuẩn bị hàng thì cũng sẽ không tận dụng được cơ hội bao nhiêu. Vay ngân hàng đòi phải có tài sản thế chấp nên đôi khi mình phải chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao hơn nhiều nếu cần thiết để mua nguyên vật liệu làm cho kịp hàng”.

Theo nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay từ ngân hàng phải giảm đồng loạt ở mức phổ biến 17 - 18%/năm  thì mới dám vay. Bởi điều quan trọng nhất là sức tiêu thụ của thị trường trong nước cuối năm cũng chưa thể dự báo được, mà nếu vay dự trữ hàng tồn kho quá nhiều thì đôi khi sẽ bị thua lỗ.

Thủy Lưu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.