Chỗ dựa của dân ở đâu?

10/11/2007 01:03 GMT+7

Chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở phải là "chỗ dựa tin cậy của người dân". Điều này luôn được nhắc tới, nhấn mạnh tới trong các nghị quyết, nhưng trong thực tế thì sao? Vụ em gái Nguyễn Thị Bình bị đánh đập hành hạ như nô lệ suốt 13 năm ròng đã diễn ra trước mắt chính quyền và các đoàn thể ở quận Thanh Xuân-Hà Nội.

Nhưng khi vụ việc được phát giác, vợ chồng hàng phở man rợ bị bắt, thì cả chính quyền và các đoàn thể cơ sở từ phường tới quận mới… biết. Bấy giờ, thì lãnh đạo ủy ban phường đổ lỗi cho tổ dân phố, còn bí thư đảng ủy phường thì… tự hào về hệ thống chính trị của phường Nhân Chính, từ phường tới khu dân cư rất chặt chẽ. "Hằng tháng về phía đảng ủy chúng tôi họp, ban hành nghị quyết và tổ chức giao ban thường xuyên để chỉ đạo".

Vậy thì trường hợp đau thương của em Bình ở đâu, có thuộc mối quan tâm nào trong cả cái "hệ thống chặt chẽ", không chỉ gồm chính quyền, mà còn các đoàn thể ấy không? "Chúng tôi không biết, vì em Bình không phải thành viên của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ dân phố… nên chúng tôi không có trách nhiệm".

Nói như thế là nói rất thật, nhưng cũng thật kinh khủng. Hóa ra, các đoàn thể chỉ "có trách nhiệm" với các thành viên của mình thôi sao? Chẳng lẽ, em Bình không là một thiếu niên, một thanh niên, một công dân sao? Và, chẳng lẽ em không ở trong bất cứ đoàn thể nào thì em không được bảo vệ trước sự tàn ác, không được làm người sao? Tôi rất tán thành quan điểm của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khi ông nói: "Việc cháu Bình bị hành hạ, đánh đập nhiều người dân đều biết, không có lý gì mà chính quyền địa phương và các đoàn thể lại không biết. Chỉ vì ngại va chạm, sợ bị trả thù mà các cơ quan này đã làm ngơ trước số phận bi thảm của một con người suốt trong nhiều năm qua".

Sự rũ bỏ, đùn đẩy trách nhiệm giữa các "công bộc của dân" đã xảy ra trong trường hợp này là phản ánh rõ nhất không chỉ là sự thờ ơ đối với những số phận con người trong địa bàn mình phụ trách, mà cả thờ ơ, coi thường với chính trách nhiệm của mình. Một khi chính quyền và các đoàn thể cơ sở đã hành xử như vậy thì họ không còn là "chỗ dựa tin cậy của người dân" nữa, và giữa họ với người dân bình thường trong địa bàn họ phụ trách đã xuất hiện một hố sâu ngăn cách. Người dân không dám tin vào chính quyền cơ sở ngay nơi mình cư trú, không dám báo những thông tin "nóng" trong địa bàn cho chính quyền vì không biết người ta sẽ xử lý những thông tin ấy thế nào, và xử lý những nguồn cung cấp thông tin ra sao?

Chính vì sự "không dám tin" đó nên đã hình thành một tâm lý quan ngại, thậm chí sợ hãi của người lương thiện trước kẻ bất nhân, của người hiền trước kẻ ác. Và người ta đành tự bằng lòng với câu ngạn ngữ: "Im lặng là vàng". Nếu tâm lý này kéo dài và lan rộng, nó sẽ hết sức nguy hại không chỉ cho xã hội, cho cộng đồng, mà còn cho cả chính quyền.

Vì vậy, củng cố chính quyền cơ sở, làm cho người dân "dám tin" vào chính quyền cơ sở là điều kiện sống còn của mọi chính quyền. Chính quyền cơ sở chỉ "sống" được nếu nó thực sự sống trong dân và được người dân tin cậy chọn làm chỗ dựa cho mình! 

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.