Hà Nội, TP.HCM: đừng lo thiếu vốn!

20/10/2006 01:23 GMT+7

Hà Nội và TP.HCM là đầu tàu của nền kinh tế nhưng theo phương án phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2007, tỷ lệ ngân sách của Trung ương (T.Ư) dành cho Hà Nội giảm 1% (từ 32% xuống 31%), còn TP.HCM giảm 3% (từ 29% xuống 26%). Điều này liệu có ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của hai thành phố? Bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho biết:

- Quan điểm của tôi là trong ngân sách quốc gia thì phải đủ lực cho ngân sách T.Ư, coi ngân sách T.Ư như là một vũ khí, một quả đấm để giữ vững và ổn định phát triển đất nước trong mọi tình huống. Cái đó là căn bản. Đương nhiên, địa phương nào làm ăn tử tế thì phải tập trung, ủng hộ để địa phương đó phát triển...

* Nhiều đại biểu cho rằng cần phải tập trung đầu tư vào các vùng trọng điểm. Việc giảm tỷ lệ ngân sách cho Hà Nội và TP.HCM sẽ hạn chế sự phát triển của hai khu vực này?

- Tỷ lệ thì có giảm nhưng số tuyệt đối lại tăng. Nguồn lực của Nhà nước thì bao gồm cả ngân sách, vốn vay, huy động viện trợ, trái phiếu, công trái. Trước đây trái phiếu chỉ để làm những công trình thủy lợi, giao thông ở miền núi vùng khó khăn, nhưng kỳ này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép sử dụng trái phiếu vào cả những công trình trọng điểm ở địa bàn trọng điểm, ở những nơi có tác động liên khu vực. Sử dụng nguồn trái phiếu và công trái đó trên cơ sở chiến lược 5 năm, 10 năm thì với mục tiêu của từng năm mà có thể năm nào đó đầu tư nhiều hơn, có năm nào đó chững lại, có năm nào đó có thể giảm đi. Trên cơ sở quan điểm như thế, năm 2007 nếu thấy cần phải duy trì tăng tốc thì vận dụng theo căn cứ đó. TP.HCM, Hà Nội được phép sử dụng cả trái phiếu Chính phủ và nhiều nguồn khác.

* Hệ thống bệnh viện hiện  đang bị quá tải nhưng nguồn ngân sách T.Ư dành cho công trình này dường như còn quá ít ?

- Nguồn thu từ xổ số kiến thiết được đưa ra ngoài cân đối ngân sách mỗi năm là từ 5.000-6.000 tỉ đồng. Số này chỉ dành cho y tế và giáo dục và giao cho Hội đồng Nhân dân quyết định xem là năm nay xây công trình gì cho y tế, công trình gì cho giáo dục. Tuy nhiên, tới đây cũng phải chấn chỉnh lại hoạt động xổ số, không chỗ nào cũng xổ số liên khu vực. Nếu không chấn chỉnh thì nước cứ chảy về chỗ người ta đã phát triển.

* Theo ông, vào WTO liệu có tăng được nguồn thu ngân sách?

- Vấn đề đó phải để cho Chính phủ tính, nhưng theo tôi có hai mặt. Vào WTO là khuyến khích cạnh tranh. Khuyến khích cạnh tranh thì kinh tế có hiệu quả hơn, anh nào không phù hợp thì phải dẹp. Dẹp thì mất nguồn thu. Bây giờ phải tính toán, phải có ước tính từ kinh nghiệm của các nước. Tăng thu ngân sách không có nghĩa là chỉ bó hẹp trong năm 2007, có cái tăng thu ngay 2007 nhưng có cái tạo ra nguồn thu để có thu nhiều hơn trong năm 2008.

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.