Học trò lại đánh nhau

11/11/2010 13:11 GMT+7

Bạo lực học đường (BLHĐ) đang diễn biến phức tạp ở Lâm Đồng. Chỉ vì mâu thuẫn, xích mích đơn giản mà nhiều học sinh (HS) đã dùng vũ lực để giải quyết khiến có em không chỉ bị thương mà còn thiệt mạng.

Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm học này  đã có 21 vụ liên quan đến HS như: đánh nhau có sử dụng hung khí, tham gia băng nhóm quậy phá với thanh niên bên ngoài, vô lễ với thầy cô giáo… Trong số này, có ít nhất 2 vụ khiến 2 HS bị thiệt mạng. Cụ thể, tối 27.10, tại con hẻm trên đường Bà Triệu (P.4, TP Đà Lạt), HS Nguyễn Bá Liêm và Nguyễn Hoàng Sang (lớp 9, trường THCS Quang Trung, Đà Lạt) đi học thêm về gặp Ngô Đức Huy (lớp 8A5, trường THCS Tây Sơn, Đà Lạt) và Triệu Bảo Long (HS lớp 8, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đà Lạt). Sau khi gây gổ, Liêm đã dùng dao đâm Huy chết tại chỗ và Long bị thương.

Trước đó, sáng 4.10, tại trường THCS Gia Hiệp (huyện Di Linh), Vũ Minh Bắc (17 tuổi, ở xã Đinh Lạc) cải trang HS đến lớp 9A5 của trường xin cô giáo vào lớp. Dù giáo viên không cho nhưng Bắc vẫn xông vào dùng dao đâm em Phạm Đình Văn (14 tuổi, trú xã Gia Hiệp) khiến em Văn bị chết trên đường đến bệnh viện.

Tối 16.10, 3 HS lớp 12B3, trường THPT Di Linh, huyện Di Linh là Đỗ Kim Kiên, Vũ Mạnh Tú, Võ Tiến Nhật đã chặn xe của một thanh niên (có mâu thuẫn từ trước), rút dao hù dọa. Sau khi người thanh niên bỏ chạy, nhóm HS này lấy xe tháo rời định đem bán thì bị công an bắt vào ngày 19.10. Tại trường THCS Nguyễn Du (Đà Lạt), không chỉ xảy ra tình trạng đánh nhau và đâm bạn bị thương, một số HS khối 8 còn dùng thuốc Recotus (một dạng thuốc ho) uống với nước ngọt tạo cảm giác lâng lâng như người say rượu rồi vào lớp, nhưng không học được. Mới đây, chiều 30.10, tại trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), HS Phạm Trọng Phúc (lớp 12B6) rút dao dọa cô giáo dạy Sinh học ngay trong lớp.

Theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, so với năm học trước thì số vụ BLHĐ có giảm đáng kể nhưng các vụ nghiêm trọng lại xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn (tập trung vào tháng 10). Hầu hết các vụ nghiêm trọng xảy ra ngoài trường, sau giờ tan học, đối tượng chủ yếu là HS THCS. Đáng lưu ý, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục đã triển khai rộng rãi trong cán bộ, giáo viên và HS nhiều hoạt động chuyên đề về phòng chống BLHĐ. Tuy nhiên, hiệu quả ngăn chặn BLHĐ thấp, chưa có tác dụng phòng ngừa cao, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tiến - Hiệu trưởng trường THCS Phan Chu Trinh (Đà Lạt) nhìn nhận: “Kỹ năng giải quyết tình huống ngoài xã hội của HS không có, khi xảy ra vấn đề các em chưa có cách ngồi lại nói chuyện với nhau hoặc báo với thầy cô giáo hay người lớn, mà tự tìm cách “xử” với nhau. Khi “xử” nhau như vậy, các em không nghĩ là sẽ gây hậu quả nghiêm trọng…”.

 Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.