Thêm nhiều khoản phí dịch vụ chứng khoán

25/10/2007 22:48 GMT+7

Theo một đề án mới về phí do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) soạn thảo, sẽ có thêm nhiều khoản phí mới đánh vào hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán; nhiều khoản phí khác được sửa đổi, bổ sung... Đây là vấn đề được giới thiệu tại hội thảo “Chính sách phí đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán” được UBCKNN tổ chức hôm qua 25.10 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Sơn, Phó ban Phát triển thị trường (UBCKNN) nói, các khoản phí giao dịch hiện nay là hợp lý nhưng các khoản phí do Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) và Trung tâm GDCK thu là "chưa đủ bù đắp các chi phí thực tế phát sinh". Về khoản phí niêm yết hằng năm là một loại phí khá cơ bản nhưng Trung tâm GDCK Hà Nội cũng chưa thu. "Biểu thu phí chưa phản ánh được quy mô niêm yết và mức độ đại chúng của chứng khoán (CK) niêm yết" - ông Sơn nói. Cũng theo ông Nguyễn Sơn, mức thu phí lưu ký CK hiện nay là thấp so với các chi phí phát sinh.

Theo đề án này, UBCKNN sẽ soạn thảo một thông tư riêng hướng dẫn về phí và lệ phí đối với các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) thay cho các thông tư trước đây để trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành ngay trong tháng 11 tới. UBCKNN cũng đề nghị bổ sung thêm nhiều khoản phí và sửa đổi một số khoản phí, lệ phí khác. Ví dụ, phí sử dụng thiết bị đầu cuối sẽ được nâng từ 20 triệu lên 50 triệu đồng/thiết bị/năm. Phí quản lý niêm yết hằng  năm với các công ty niêm yết dưới 80 tỉ đồng là 10 triệu đồng; niêm yết từ 80 - 500 tỉ đồng sẽ thu 15 triệu đồng và trên mức 500 tỉ đồng sẽ thu 20 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCKNN, một số loại phí rất cần được bổ sung là phí chấp thuận niêm yết CK, mức thu dự kiến là 20 triệu đồng/tổ chức niêm yết. Phí cấp phép niêm yết bổ sung sẽ thu 5 triệu đồng/lần. Khoản phí lớn nhất sẽ phải bổ sung là phí thành viên giao dịch. Theo đề án, mức thu phí dự kiến là 300 triệu đồng/thành viên và phí thành viên hằng năm là 50 triệu đồng/thành viên. Về các loại phí do trung tâm lưu ký CK thu, mức thu dự kiến đối với phí lưu ký CK là 0,5 đồng/cổ phiếu và 0,2 đồng/trái phiếu đối với trái phiếu Chính phủ. Riêng phí chuyển khoản CK vẫn được giữ nguyên nhưng ban soạn thảo sẽ sửa đổi mức thu tính trên đơn vị chứng khoán là 0,5 đồng/CK/lần chuyển khoản và tối đa 500 ngàn đồng/lần chuyển khoản.

Góp ý cho dự thảo đề án trên, ông Ngô Phương Chí, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt nói: "Tôi đồng ý là một số loại phí, nhất là phí gián tiếp cần được nâng lên và bổ sung để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Nhưng tôi thấy, nếu thị trường đóng băng, ban soạn thảo sẽ không đưa ra mức cao như vậy". Ông Chí đề nghị: "Biểu phí cần có tính động hơn. Một số khoản phí có thể giao cho các đơn vị trực tiếp như các sở giao dịch, các trung tâm lưu ký, trung tâm GDCK quyết định". Về khoản phí thành viên giao dịch lần đầu, ông Chí cho rằng, khoản này là "cần thiết để tạo hàng rào cho những thành viên tham gia phải có chất lượng, tiềm lực". Nhưng ông Chí cũng nói: "Nếu muốn tất cả các công ty đều tham gia vào thì phí có thể thấp hơn. Mức phí 300 triệu đồng không phản ánh một mục tiêu cụ thể nào". Riêng phí niêm yết, ông Chí đánh giá là thấp nếu so với các nước. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện của Trung tâm GDCK Hà Nội nói: "Phí gia nhập thành viên lần đầu không phải là nhiều vì phí này chỉ thu một lần duy nhất. Các khoản phí khác thu hằng năm, theo tôi cũng không phải là nhiều". Riêng về phí để tổ chức hệ thống giao dịch cổ phiếu OTC, bà Hà cho biết, do đây là hệ thống tách biệt với hệå thống GDCK niêm yết nên cũng cần có khung phí như TTCK niêm yết.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán nói: "Thực tế, TTCK ở Việt Nam vẫn trong thời kỳ bắt đầu phát triển, cần nhiều chính sách khuyến khích. Do đó, nên khuyến khích giảm phí đi. Nếu quy định quá cứng sẽ làm cho thị trường khó khăn hơn".

Dự thảo của thông tư cũng quy định một số loại phí có mức trần và sàn như phí dịch vụ môi giới với cổ phiếu và trái phiếu, phí bồi thường do hủy giao dịch... Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, đó là nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cho rằng: "Nên giữ quy định về mức phí như hiện nay để các doanh nghiệp tự điều chỉnh với nhau".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.