Đề phòng lũ lớn trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An

03/11/2008 10:36 GMT+7

* Mưa có xu hướng tăng ở tây Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc (TNO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ hạ lưu sông Cả đang biến đổi chậm, sau đó có khả năng lên lại; đến sáng mai (4.11), tại Nam Đàn (Nghệ An) có khả năng lên mức 7,7m, dưới báo động (BĐ) III là 0,2m. Lũ trên hệ thống sông Mã đang lên và sẽ tiếp tục lên.

Tình hình lũ trên sông Hoàng Long và hệ thống sông Thái Bình được ghi nhận và dự báo như sau: Lúc 8 giờ sáng nay (3.11), sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,23m (trên BĐIII là 0,23m); sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,91m (trên BĐIII là 0,11m); sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,33m (dưới BĐIII là 0,47m); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,33 m (dưới BĐII là 0,17m). Dự báo lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục xuống chậm; trên sông Cầu, sông Thương và hạ lưu sông Thái Bình vẫn duy trì ở mức đỉnh.

Cơ quan chuyên môn cho biết, bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục tràn xuống phía Bắc nước ta, đã và đang ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, do vậy trong vài ngày tới Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông. Khu vực tây Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc mưa đang có xu hướng tăng, rải rác ở một số nơi có mưa to đến rất to, cần đề phòng lũ quét.
 
Tình hình mưa lớn liên tục trong mấy ngày qua trên địa bàn một số tỉnh, thành đã không chỉ làm đảo lộn cuộc sống do ách tắc giao thông mà còn gây thiệt hại lớn cho người dân (kể cả tính mạng), đặc biệt là bà con nông dân. TTXVN đưa tin:

* Tại Hà Nam, do thời tiết tiếp tục mưa, lũ ở sông Nhuệ, sông Châu Giang lên cao đã làm hầu hết các tuyến đê bối quanh thành phố Phủ Lý bị tràn. Tại trại giam Nam Hà thuộc Bộ Công an ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, một chiến sỹ công an đã tử nạn do bị nước lũ cuốn trôi. Đây là thiệt hại đầu tiên về người tại tỉnh Hà Nam trong đợt mưa lũ này.

Theo số liệu tổng hợp, có 7 khu vực đê bối quanh thành phố Phủ Lý với tổng chiều dài gần 4km bị tràn là: Phù Vân, Lam Hạ, Thanh Châu, Lạc Tràng, Liêm Chính, Đọi Xá, Quang Trung. Tại các tuyến đê bối bị tràn, tỉnh Hà Nam đã huy động tổng số 1.500 người, 7.000 bao tải cát để đắp bờ con trạch chống tràn và đến 19h ngày 2.11 việc đắp bờ đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc chống tràn cũng chỉ mang tính tạm thời; nếu thời tiếp tục mưa to, nước có thể tràn qua bờ chắn nên tại 7 khu vực trên lực lượng phòng chống lụt bão của địa phương đang tiếp tục bố trí lực lượng trực 24/24, chuẩn bị thêm bao tải cát để đắp bờ cao hơn khi mực nước dâng cao.

* Tại Hải Dương, mưa lớn tiếp tục trong ngày 2.11 làm hệ thống cống thoát nước trong thành phố ứ đọng, ngập hầu hết các tuyến phố và nhiều nhà dân trên địa bàn thành phố Hải Dương như ở các phường: Trần Phú, Việt Hòa, Cẩm Thượng... gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Đến 18h 45 tối 2.11, tình trạng ngập lụt vẫn diễn biến phức tạp.

Chiều 2.11, một cơn gió lốc xoáy cực mạnh trên địa bàn xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện, tinh Hải Dương) đã làm tốc mái nhà của 32 hộ gia đình và 2 trang trại chăn nuôi thủy sản. Tổng thiệt hại về tài sản lên đến hàng tỷ đồng, cá biệt có hộ gia đình bị thiệt hại hơn 70 triệu đồng. Lãnh đạo huyện Thanh Miện đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả lốc xoáy như: cắt điện ngay để nhân dân dọn dẹp; lên phương án khôi phục dòng điện khi người dân dọn dẹp xong; chỉ đạo ngành y tế thường trực ứng cứu, phòng tránh tai nạn xảy ra... nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

* Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng của mưa lũ, đê sông Bưởi tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành đã bị tràn. Đến chiều 2.11, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4.530 nhà dân bị ngập trong nước; trên 4.300 ha cây trồng vụ đông bị ngập và hư hại; nhiều tuyến tỉnh lộ bị sạt lở với khối lượng trên 60.000m3, đáng chú ý là đường tỉnh lộ 523 đi qua huyện Thạch Thành bị ngập 48km... Đại diện lãnh đạo tỉnh và các ngành đã trực tiếp xuống các huyện trọng yếu để kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo các huyện đối phó với các tình huống có thể xảy ra; hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ngập lụt. Riêng tại huyện Thạch Thành đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ để chống tràn cho tuyến đê Thạch Định. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã điều động 10.000 bao tải để hỗ trợ huyện chống tràn. Huy động lực lượng, phương tiện để giải tỏa ách tắc giao thông trên các tuyến đường sạt lở đảm bảo thông tuyến. Hiện tại, một số nơi vẫn đang có mưa lớn, để đề phòng mực nước lũ trên các sông có thể sẽ lên cao, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành chuẩn bị nhân lực, vật lực, duy trì lực lượng tuần tra canh gác trên các tuyến đê xung yếu để sẵn sàng đối phó khi có lũ lớn xảy ra.

K.H (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.