Cú đúp của một giải đấu

25/10/2007 01:02 GMT+7

Cú đúp của tiền đạo Đình Hiệp trong trận U.21 VN gặp U.21 Myanmar có thể coi như một biểu tượng đẹp, một cú đúp của giải đấu quốc tế này. Bàn thứ nhất: lần đầu tiên, một tờ báo đã đứng ra tổ chức một giải bóng đá U.21 quốc tế, tổ chức một cách chu đáo, tạo được sức thu hút lớn. Bàn thứ 2: những cầu thủ xuất sắc nhất của giải đấu U.21 Báo Thanh Niên lại có dịp kề vai sát cánh nhau trong một đội hình, và đó sẽ là những cầu thủ mà đội tuyển quốc gia VN có thể nhìn vào và tuyển chọn.

Ngoài Đình Hiệp, có thể kể ra đây Quang Hải - đội trưởng -một tiền vệ công chơi xông xáo, sáng tạo và khá quyết đoán, dù ở trận ra quân anh chơi vị trí tiền đạo. Có thể kể Hồng Việt, Trọng Hoàng, và nhất là Thành Tài, cầu thủ vào sân ở hiệp hai đã chứng tỏ anh là một tay kiến thiết bóng rất có duyên có nét, một tiền vệ chơi thanh thoát và thông minh. Và trong khung gỗ là một Văn Thạch có thể sẽ là một thủ môn nhiều triển vọng của đội tuyển Olympic VN. Chỉ kể như thế đã thấy, qua giải quốc tế U.21 này, ban huấn luyện của ông Riedl có thể "chấm" bổ sung vào đội ngũ của mình những cầu thủ trẻ. Họ đã sẵn sàng để được thử thách ở những sân chơi lớn hơn.

Nhớ mùa giải U.21 trước, khi Tiền Giang đoạt chức vô địch, đội tuyển Olympic VN đã có một trung vệ chơi đầu óc và chắc chắn gợi nhớ tới một Đỗ Khải của "thế hệ Vàng" - đó là Long Giang. Nếu sau mỗi mùa giải U.21 chúng ta có được chỉ 3 cầu thủ có thể khoác áo tuyển Olympic hay tuyển quốc gia thôi, thì thành công đã là quá lớn. Phải tạo được sân chơi thì mới xuất hiện được tài năng, điều này không chỉ trong bóng đá, nhưng hiện ra rõ nhất trong bóng đá.

Có thể mỗi mùa giải U.21 đều có những khiếm khuyết ở cầu thủ, ở đội bóng hay ở trọng tài, nhưng nhìn toàn cục, thì mùa giải này lại có những nét thành công hơn mùa giải trước. Một thành công nổi bật chính là Báo Thanh Niên đã tổ chức được một giải U.21 quốc tế ngay sau giải U.21. Có thể những cầu thủ U.21 tham gia đội tuyển U.21 VN sẽ phải mất sức, thậm chí có lúc quá tải vì lịch thi đấu dày, nhưng bù lại, khả năng "marathon" của các cầu thủ lại được tăng lên khá nhiều. Và những kinh nghiệm thi đấu, những điều quý giá mà chỉ cọ sát trên sân cỏ với những đối thủ xứng tầm mới có được, sẽ trở thành tài sản cho những cầu thủ trẻ trong suốt cuộc đời thi đấu bóng đá của họ.

Nếu hàng năm chúng ta liên tục tổ chức được những giải đấu quốc tế cho các cầu thủ trẻ của chúng ta có dịp rèn luyện và tự nâng mình lên, chúng ta sẽ sớm có đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia ngày một trẻ tuổi và ngày một dạn dày kinh nghiệm thi đấu. Đó cũng là hướng đi tốt nhất cho bóng đá đỉnh cao Việt Nam mà giải U.21 Báo Thanh Niên vinh dự là giải đấu mang tính tiên phong, khai mở.

Nếu không có một giải đấu quốc tế sau giải U.21 hằng năm, sẽ khó thấy những cầu thủ xuất sắc từ nhiều đội bóng sẽ chơi với nhau thế nào trong một đội hình. Chỉ xem trận U.21 VN - U.21 Myanmar, đã thấy rõ: hiệp hai là hiệp chơi tốt hơn của U.21 VN. Đơn giản, vì các cầu thủ đã bắt nhịp được với nhau, đã chơi ăn ý và có nhịp điệu, đã bắt đầu tìm được tiếng nói chung. Như thế, khi đá tới trận thứ 3 - trận gặp U.21 Thái Lan - tôi tin U.21 VN sẽ chơi gắn bó hơn và thanh thoát hơn ở trận đầu nhiều. Và như thế là thành công rồi! Ý nghĩa "cú đúp" của giải đấu này là như thế.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.