Người "tiếp lửa" cho gốm Phù Lãng

09/11/2005 21:42 GMT+7

Nhắc đến Vũ Hữu Nhung (làng Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), một cụ già được xếp vào diện "già làng trưởng bản" của Phù Lãng tấm tắc khen: "Thằng Nhung là người đã làm sống lại một làng nghề truyền thống bằng các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Nó có công đem lại sức sống mới cho sản phẩm gốm Phù Lãng".

Thuở nhỏ, Nhung đã phải chịu thiệt thòi quá lớn, bố mất sớm để lại cho gia đình một khoảng trống không gì lấp nổi. Gia đình Nhung thuộc diện nghèo của làng Phù Lãng. Anh nhớ lại: "Nhà nghèo không phải vì lười mà vì gốm làm ra không bán được". Nhung mê vẽ, nhưng sự túng thiếu của gia đình khiến anh phải tạm thời gác lại niềm đam mê cá nhân. Học xong cấp 3, Nhung xin vào làm thuê cho những gia đình trong làng để phụ giúp mẹ và các em. Mãi đến năm 1994 khi cuộc sống của gia đình đã tạm ổn định, Nhung quyết định quay lại với sở thích của mình. Năng khiếu sẵn có và sự chịu khó học hỏi đã giúp Nhung vượt qua được kỳ thi đại học, trúng tuyển vào khoa Điêu khắc của Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Đã hơn chục năm nhưng cho đến giờ Nhung vẫn chưa quên được cái cảm giác khó tả khi anh nhận giấy báo nhập học. Mừng vì anh là một trong số rất ít con em của làng Phù Lãng đỗ vào đại học nhưng lo vì nhà nghèo, không biết lấy gì mà theo học trong suốt 5 năm. Nhung tự đặt ra mục tiêu cho mình: sau ngày nhập trường là phải tìm được một việc gì đó để làm thêm kiếm tiền đóng học phí, nuôi bản thân. Chẳng từ một khó khăn nào, Nhung làm bất cứ việc gì mà người ta thuê, từ thiết kế gian hàng triển lãm, vẽ


Anh Vũ Hữu Nhung

biển quảng cáo.

Ra trường, tạm cất tấm bằng đại học đi, Nhung chấp nhận vào làm thuê  cho làng gốm Bát Tràng, với vai trò là thợ gốm và vẽ hoa trang trí. Đây là thời gian Nhung ưu tư nhiều nhất. Anh luôn cật vấn mình: "Gốm của làng  mình cũng có thời rất nổi tiếng nhưng sao bây giờ không phát triển được trong khi đó làng gốm Bát Tràng lại rất sầm uất ?". Nhung trở về làng với lời tự hứa sẽ đem những kiến thức đã học được về ứng dụng vào làm gốm. Không có tiền, làm được món hàng nào anh lại mang sang nhà hàng xóm nung nhờ. Tuy nhiên, ban đầu những sản phẩm mà Nhung cho là có sự sáng tạo thì đều bị những người già có thâm niên cao trong nghề gốm chép miệng: "Vớ vẩn". Người ta quá ngạc nhiên trước những sản phẩm chẳng giống ai của Nhung. Từ bao đời nay, người làng Phù Lãng chỉ làm các sản phẩm gốm tròn như bình, lọ, bây giờ Nhung lại đưa ra một kiểu mới là gốm phẳng.

Lận đận mãi, vận may cuối cùng cũng mỉm cười với anh chàng chịu thương chịu khó này. Trong lần đến thăm làng gốm, một Việt kiều Úc  ghé qua nhà thấy những sản phẩm của Nhung rất lạ nên đã mua gần 100 sản phẩm. Toàn bộ số tiền thu được Nhung hùn với mấy người bạn trong làng lập một xưởng gốm nhỏ. Sản phẩm làm ra bán được cho Việt kiều đã trở thành nguồn động viên lớn đối với Nhung. Anh tiếp tục sáng tạo theo những ý tưởng mới lạ của mình. Nhưng sự vận dụng thái quá các yếu tố mỹ thuật vào làm gốm khiến sản phẩm làm ra không hợp với khách hàng. Sau đó, Nhung bỏ ra nhiều ngày liền lân la đến các cửa hàng bán đồ mỹ nghệ để tìm hiểu thị hiếu khách hàng. Điều này giúp Nhung ngộ ra một điều, chẳng cần phải cao xa gì, sự sáng tạo nằm ngay ở những thứ giản dị gắn bó với cuộc sống hằng ngày. Những sản phẩm gốm vẽ cây cối, hoa lá do Nhung làm ra bán rất chạy. Bên cạnh những sản phẩm này, Nhung vẫn dành thời gian và tâm huyết để sáng tạo những bức tranh phù điêu, tranh gốm cỡ lớn theo ý tưởng của mình. Thương hiệu gốm Nhung bắt đầu hình thành. Trong một khoảng thời gian ngắn, từ cuối năm 2001 đến năm 2003, các sản phẩm gốm của Nhung đã mang về cho anh nhiều giải thưởng có giá trị như "Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng" do Hội đồng Anh, Quỹ hỗ trợ văn hóa  Thụy Điển - Đan Mạch, Trung tâm Ngôn ngữ văn minh Pháp và Đại sứ quán Đức tổ chức tháng 11/2001, danh hiệu "Ngôi sao Việt Nam" - giải thưởng cao nhất của Hội thi các ngành nghề truyền thống Việt Nam...

Đến nay, Nhung đã có một cơ ngơi khá khang trang, gồm một khu xưởng rộng 2.000m2 và lò nung gốm với 100 lao động chủ yếu là thanh niên trong làng (mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng). Sản phẩm gốm Nhung có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Ý, Hàn Quốc. Một chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á nhận xét: "Chất liệu thì vẫn là đất nung nhưng anh đã thổi hồn mình vào những sản phẩm để nâng chúng lên thành những tác phẩm nghệ thuật, bởi thế cho nên mỗi mẫu mã của Nhung đều là một tác phẩm mà trong đó có sự sáng tạo không ngừng".

Thành công và tư duy mới của Nhung đã tác động mạnh mẽ đến làng nghề, người dân trong làng học theo cách của anh, nhiều gia đình cũng học cách làm gốm sành mỹ nghệ xuất khẩu theo phong cách gốm Nhung.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.