Nam Á: Nỗi khốn cùng sau thảm họa động đất

12/10/2005 00:29 GMT+7

* Hơn 42.000 người thiệt mạng Sau khi chôn cất người thân, bạn bè trong những hố chôn tập thể, người dân Nam Á đang đối mặt với một hiện tại và tương lai tăm tối.

Tại thành phố Muzaffarabad ở vùng Kashmir thuộc Pakistan, nơi có tới 11.000 người thiệt mạng trong trận động đất, những người sống sót đang ở trong hoàn cảnh khốn cùng. Khi mà nỗi đau mất người thân, bạn bè vẫn còn đè nặng, họ lại phải đối mặt với cảnh đói khát do chưa nhận được hàng cứu trợ. "Mọi người đang chết đói. Họ đã mất hết người thân và tài sản. Của cải mất sạch còn người thì bị chôn sống. Chẳng ai giúp đỡ chúng tôi cả", một nạn nhân tại Muzaffarabad than thở. Một ủy viên Hội đồng thành phố cho biết 90% số nạn nhân vẫn còn bị vùi dưới đống đổ nát. Tại thành phố này và nhiều vùng khác, những người sống sót phải sống một cuộc sống hết sức nguy hiểm: không nhà cửa, không thức ăn, không điện nước và không pháp luật. Cướp bóc xảy ra liên miên. Người ta tấn công xe tải quân sự để lấy lương thực, vải bạt, thuốc men. Có những người lao vào các trạm xăng để lấy nhiên liệu về nấu ăn và sưởi ấm. Các chủ cửa hiệu phải sử dụng mọi biện pháp tự vệ, họ sẵn sàng ném đá vào những người khả nghi.

Trận động đất kinh hoàng đã qua, nhưng hậu quả mà nó để lại vô cùng nghiêm trọng. Theo ước tính của LHQ, hơn 2,5 triệu người đã mất nhà cửa trong thảm họa. Ngày 11/10, các quan chức Pakistan cho biết tổng số người chết tại nước này là hơn 42 ngàn người, số người bị thương khoảng 60 ngàn. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổ chức Nhân đạo Islamic Relief ước lượng số người thiệt mạng có thể là 80.000 hoặc hơn. (AP)

Trong hoàn cảnh khốn cùng này, người dân đã bắt đầu nổi giận trước sự trễ nải của công tác cứu trợ. Một quan tòa tại thị trấn Bagh ở Kashmir nói: "Chúng tôi không còn sức để khóc cho người chết. Chúng tôi đang khóc vì không được chính phủ giúp đỡ". Trong khi những người khỏe mạnh không nhận được hàng cứu trợ thì nhiều người bị thương vẫn chưa được chăm sóc về y tế. Thực ra, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, chính quyền Pakistan đã cố gắng đẩy mạnh chiến dịch cứu trợ nhưng do thiếu phương tiện, nhân lực nên công tác khắc phục hậu quả gặp rất nhiều khó khăn. Cả khu vực thảm họa rộng đến hàng trăm ngàn km2 nhưng chỉ có 30 máy bay trực thăng làm nhiệm vụ. Vì vậy, cho đến nay, nhiều vùng xa xôi hẻo lánh vẫn bị "bỏ rơi" và người ta không biết thiệt hại ở những khu vực này là bao nhiêu.

Cùng với chiến dịch cứu trợ, lực lượng cứu hộ cũng dốc tận lực để tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát. Vào đêm thứ hai, họ đã kéo được một bé gái 2 tuổi còn sống từ một tòa nhà bị sập tại Islamabad, đưa số người được cứu sống tại riêng nơi này lên 25. Ngày 11/10, một nhóm tình nguyện viên người Pháp cũng cứu sống được 5 học sinh bị vùi tại một ngôi trường đổ nát ở thị trấn Balakot thuộc vùng Kashmir. Cứ mỗi lần tìm thấy người sống, các nhân viên cứu hộ lại reo lên mừng rỡ. Tuy nhiên, niềm vui của họ không kéo dài. Càng về sau, số người chết mà họ tìm thấy càng nhiều hơn trong khi những nạn nhân sống sót ít dần.

Đỗ Hùng
(BBC, CNN, AP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.