Cấy thành công máy khử rung tim tự động (ICD) vào cơ thể: Cơ hội cho người bệnh tim có nguy cơ đột tử

16/09/2005 23:25 GMT+7

Được sự hỗ trợ của GS.TS Việt kiều Trần Thống - giảng viên Trường Đại học OREGON (Hoa Kỳ), các bác sĩ thuộc đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện T.Ư Huế vừa thực hiện thành công ca cấy máy khử rung tim tự động ICD (Implantable Cardioversion Defibrillator) vào cơ thể một bệnh nhân tim 38 tuổi, sống tại thành phố Huế, tiền sử gia đình đã có 3 người chết đột tử do bệnh tim. Việc cấy ghép thành công máy ICD đã mở ra cơ hội chữa khỏi cho những bệnh nhân tim có nguy cơ đột tử ở nước ta.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Cửu Lợi, Phó trưởng khoa Nội - Tim mạch, chuyên khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện T.Ư Huế (ảnh) cho biết: "Máy khử rung tim tự động là một loại máy có chức năng sốc điện tự động để khử các cơn rung thất, do một số bệnh lý về tim gây ra thường có nguy cơ dẫn tới đột tử, được cấy trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân. Đây là một phát minh của y học hiện đại đã được sử dụng khá phổ biến tại các nước trên thế giới từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20. Máy có khả năng tự động phát hiện bệnh nhân có cơn rung thất để phát ra dòng điện sốc tim khử rung kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Ưu điểm của máy là có thể hoạt động từ 5 đến 15 năm trong cơ thể bệnh nhân (tùy theo số lần phát điện để khử rung). Tuy nhiên, do giá thành quá cao so với điều kiện kinh tế của nước ta nên nó chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Trước đó, được sự hỗ trợ của GS-TS Trần Thống, năm 1998 Viện Tim mạch Việt Nam đã thực hiện ca cấy máy ICD vào cơ thể bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam, sau đó đã có thêm 3 ca cấy thành công máy ICD và ca tại Huế lần này là ca thứ 5. Ca cấy máy ICD tại Bệnh viện T.Ư Huế do PGS - TS Huỳnh Văn Minh và tôi cùng ê-kíp can thiệp tim mạch thực hiện đã thành công và hiện nay bệnh nhân đang hồi phục tốt.

 

* Thưa tiến sĩ, nếu hiện nay bệnh nhân có bệnh lý tim có nhu cầu cấy ghép máy ICD liệu có được Bệnh viện T.Ư Huế đáp ứng?

 

- Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện mỗi năm tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có từ 3 đến 5 ca tử vong do các bệnh về tim gây đột tử. Bệnh nhân loại này mỗi lần lên cơn nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong trong vòng 3 phút. Hiện nay, các hãng chế tạo và sản xuất máy ICD đã có đại diện ở Việt Nam và họ đang chào hàng loại sản phẩm này. Vì vậy để mua nó không phải khó, tuy nhiên hiện giá thành của nó còn quá cao so với điều kiện của bệnh nhân ở nước ta (khoảng từ 12.000 - 15.000 USD, tương đương 200 triệu đồng), chưa kể chi phí cấy ghép. Vì vậy, chúng tôi đang đề nghị Bộ Y tế và Chính phủ can thiệp với Bảo hiểm y tế Việt Nam để có hỗ trợ chi phí nhằm giảm giá thành của máy ICD cho bệnh nhân khi thực hiện cấy ghép máy này. Nếu Chính phủ và Bộ Y tế can thiệp được với Bảo hiểm y tế để cùng chi trả thì lúc ấy cơ hội dành cho bệnh nhân có bệnh lý về tim làm rung thất được hưởng kỹ thuật này sẽ nhiều hơn.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

 

Bùi Ngọc Long (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.