Về hưu dễ khủng hoảng tâm lý?

13/10/2009 11:06 GMT+7

* Ba tôi vốn là người hiền lành, dễ hòa đồng. Nhưng từ ngày về hưu tính tình ông thay đổi rất nhiều: dễ tự ái, cáu gắt, hay gây gổ với người nhà... Có phải do ba tôi về hưu nên bị khủng hoảng tâm lý?

- Nhiều trạng thái tâm lý như buồn bã, mệt mỏi, dễ tự ái, thiếu tự tin... thường xảy ra với người về hưu. Đó là biểu hiện của trạng thái tiêu cực khi con người thay đổi môi trường.

Ở tuổi 60 trở lên, các cơ quan nội tạng cũng như hệ thần kinh trung ương đang đi vào giai đoạn thoái hóa rõ rệt. Những căn bệnh như huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, giảm thị lực, loãng xương, ung thư... cũng thường đến với lứa tuổi này.

Để đảm bảo cho người về hưu tránh khỏi những biểu hiện tiêu cực trên thì việc chuẩn bị những điều kiện về tâm lý, vật chất là vô cùng quan trọng:

- Trước khi về hưu cần chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất cho phép, như nhà ở, sổ tiết kiệm để sinh sống thoải mái; tạo lập không gian trong gia đình phù hợp, thiết lập các mối quan hệ hàng xóm láng giềng, những người đồng niên để thường xuyên giao lưu, tiếp xúc và qua đó lấp dần những khoảng trống.

- Tích cực tham gia các tổ chức như hội cựu chiến binh, câu lạc bộ người cao tuổi... Nếu còn khả năng, người về hưu vẫn có thể tiếp tục có những đóng góp cho xã hội bằng chuyên môn của mình (sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật...). Những việc này giúp người về hưu chuyển sang một vai trò mới, tiếp tục khẳng định niềm tin vào bản thân. Bên cạnh đó nên duy trì hợp lý chế độ sinh hoạt: ăn, ngủ, làm việc, thư giãn, giao lưu trong gia đình và xã hội để đảm bảo cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Ngoài ra, sức khỏe và trạng thái tâm lý của người về hưu không chỉ phụ thuộc chính bản thân họ mà còn phụ thuộc môi trường sống của xã hội, thái độ cư xử của con cháu.

Theo Nguyễn Văn Công
(giảng viên tâm lý học/Tuổi Trẻ )

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.