Quốc hội chất vấn về thủy điện và xuất khẩu gạo

18/11/2009 17:22 GMT+7

(TNO) Cùng với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn bằng văn bản nhất (34 phiếu chất vấn).

Nội dung các câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tập trung vào bốn nhóm nội dung: Quản lý phát triển hàng hóa nội địa, các giải pháp để nâng cao vị trí hàng hóa trong nước; xúc tiến thương mại và điều hành xuất khẩu gạo, thủy sản; trách nhiệm quản lý của bộ trước nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; công tác quy hoạch thực hiện quy hoạch thủy điện, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ.

Trước khi trả lời trực tiếp các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong phiên chất vấn của kỳ họp trước, có ĐB đề nghị điều chỉnh cách tính tiền điện theo giờ cao điểm vì ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp, Bộ trưởng có hứa là sẽ xem xét. Đến nay việc điều chỉnh tính theo giờ cao điểm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Theo Bộ trưởng, đến hết ngày 31.10.2009, đã có 3.189 đơn vị sản xuất một ca đăng ký giảm giá, chiếm khoảng 8% tổng số hộ tiêu thụ cả nước.

Đảm bảo người sản xuất lúa có lãi ít nhất 30%

Từ kỳ họp thứ 4, QH khóa XII, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo đã được nhiều ĐBQH đặt ra trên nghị trường. Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã gửi văn bản trả lời về nội dung này. Nhưng dường như, phần trả lời của Bộ trưởng chưa làm hài lòng các ĐBQH.

ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) đặt câu hỏi: “Năm 2008 quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, ngoài nguyên nhân để đảm bảo an ninh lương thực, còn có nguyên nhân gì khác không? Vì khi có quyết định tạm dừng thì giá lúa giảm và các doanh nghiệp lại mua vào”. Bộ trưởng trả lời: “ĐB hỏi ngoài nguyên nhân đó, có nguyên nhân gì khác. Chúng tôi thú thực là không có thông tin gì chính thức về Hiệp hội Lương thực do động cơ này hay động cơ kia để dìm giá lúa”.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, Chính phủ đưa ra chủ trương đảm bảo người sản xuất lúa có lãi ít nhất 30% nhưng lại thu mua lúa với giá 3.800 đồng/kg là không phù hợp, không đảm bảo được mức lợi nhuận 30%.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đưa ra mức giá thu mua 3.800 đồng/kg là dựa vào báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Địa phương và Sở Tài chính các tỉnh đã công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm 2009 của ĐBSCL dao động từ 2.012 - 3.190 đồng/kg lúa. Căn cứ vào mức giá sản xuất này, để đảm bảo cho nông dân có lãi 30%, Chính phủ mới tính ra mức thu mua là 3.800 đồng/kg lúa. “Mức giá 3.800 đồng có thể không phù hợp với tất cả các địa bàn, với mức giá đó thì có địa bàn đảm bảo được 30% lãi, có địa bàn thấp hơn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích.

Khắc phục bất cập này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các bộ có liên quan xây dựng đề án để thực hiện nhất quán chủ trương người sản xuất lúa có lãi 30% ổn định và lâu dài, đảm bảo tất cả các địa phương đều có lãi ít nhất 30%.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích rõ hơn, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương, các chuyên gia và sẽ ban hành cơ chế theo hướng tiếp tục cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ cho sản xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách tín dụng hỗ trợ cho các tổng công ty nhà nước mua lúa tạm trữ. Bộ Tài chính cũng đã thảo luận với các doanh nghiệp xuất khẩu, hình thành quỹ hỗ trợ, đảm bảo mua lúa của nông dân với mức giá sàn để đảm bảo nông dân có lãi ít nhất 30%.  

ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: “Xuất khẩu gạo số lượng tăng trên 30% nhưng giá trị lại giảm 7,38%, phải chăng là do có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu dẫn đến tình trạng tranh bán, tranh mua. Trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý điều hành như thế nào?”. Bộ trưởng cung cấp thông tin, hiện nay cả nước có 205 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng chỉ tập trung vào 11 doanh nghiệp lớn (chiếm tới 70% lượng gạo xuất khẩu), các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chiếm 13%.

Bộ trưởng thừa nhận: “Có những doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong xuất khẩu gạo, không có kho trữ hàng nên có thể có chỗ này tranh mua, tranh bán gây thiệt hại cho quyền lợi của nông dân”. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ và các cơ quan có liên quan đang xây dựng Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng sẽ thắt chặt hơn, xuất khẩu gạo được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, để tham gia xuất khẩu, doanh nghiệp phải có hệ thống kho trữ hàng ít nhất 20 ngày và có kinh nghiệm. “Nghị định sẽ khắc phục được những bất cập trong xuất khẩu gạo, tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và đảm bảo lợi ích của nông dân, sẽ khắc phục tình trạng thương nhân ép giá bà con nông dân”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết.

Vẫn liên quan tới việc xuất khẩu gạo, ĐB Danh Út (Kiên Giang) nêu vấn đề, việc Tổng công ty Lương thực miền Nam lập công ty con ở Singapore, mua gạo rồi xuất dưới mức giá sàn nhằm động cơ gì? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Theo quy định của Hiệp hội Lương thực thì xuất khẩu gạo không được thấp hơn mức giá sàn, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Tôi không có thông tin chính thức cái gọi là công ty con của Tổng công ty Lương thực miền Nam bán phá giá. Tôi sẽ kiểm tra lại”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đỡ lời: “Công ty con ở Singapore là công ty của Tổng công ty Lương thực miền Nam, thuộc sở hữu nhà nước. Kết quả hoạt động của công ty nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổng công ty là thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo. Kết quả hoạt động của công ty này, lãi thuộc về nhà nước”. Về việc công ty này bán giá thấp hơn mức sàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Đúng là có bán thấp hơn nhưng là trong phạm vi cho phép và đã được Thường trực Hiệp hội Lương thực thống nhất”.

Phải rà soát lại thủy điện của các địa phương

Hai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Phạm Khôi Nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dành khá nhiều thời gian để nói về công tác quy hoạch thủy điện. ĐB Võ Minh Thức (Phú Yên) đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có suy nghĩ gì trước thực trạng các doanh nghiệp tranh nhau làm thủy điện bằng mọi giá?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Không phải tất cả các doanh nghiệp đều chạy theo mục đích lợi nhuận vì đại đa số các công trình đều nằm ở vùng sâu vùng sa, vùng hiểm trở”. Liên quan đến quy hoạch, Bộ trưởng nói: “Tất cả các công trình thủy điện dù lớn hay nhỏ đều triển khai trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận: “Quy hoạch không phải là bất biến. Quy trình vận hành liên hồ chứa là chưa tốt”.

ĐB Võ Minh Thức tiếp tục: “Bộ trưởng có cho kiểm tra rà soát lại quy hoạch và khuyến cáo các địa phương về làm thủy điện?”. Bộ trưởng: “Cần phải xem xét rà soát thủy điện tại các địa phương và nếu phát hiện có bất cập thì phải chỉnh sửa bổ sung”. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tiếp lời: “Phần lớn các nhà máy thực hiện các cam kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phê duyệt, nhưng cũng có một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt, vi phạm như lấy đất rừng nhưng chưa bù lại được diện tích đất rừng đã lấy, vận hành hồ có một số bất cập nên không duy trì được dòng chảy tối thiểu”. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dứt khoát: “Những nhà máy nào lấy đất rừng mà không bù lại được thì không được thực hiện nữa”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.