Thủ đô với vấn đề xe đạp và tiếng Hà Nội

11/10/2010 14:28 GMT+7

Hàng trăm công trình nghiên cứu, ý kiến đánh giá xác đáng của các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp cho sự phát triển của thủ đô Hà Nội đã được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình".

Hội thảo kéo dài trong 3 ngày, từ 7 - 9.10 tại Hà Nội.

Tái phát triển xe đạp

Đây là một ý tưởng hay và cũng là công trình nghiên cứu khá công phu của KTS Lê Nam Phong (Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng) vì mục tiêu phát triển giao thông đô thị bền vững. Theo nghiên cứu của KTS Phong, ngay khi bước vào thời kỳ đô thị hóa mới đầu những năm 1990, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội - vốn đảm đương khoảng 40% tỉ phần giao thông cho đến năm 1989, bất ngờ sụp đổ và trong suốt khoảng thời gian hơn 10 năm (từ 1990 – 2000) "Hà Nội dường như phát triển theo hướng riêng và trở thành một TP không có giao thông vận tải công cộng" (Haidep, 2007). Cùng thời gian đó, số lượng xe máy tăng lên nhanh chóng, thay thế xe đạp trở thành phương tiện giao thông chính trên đường phố. Theo thống kê, nếu như năm 1990, HN có 1.578.000 chiếc xe đạp và 70.000 xe máy thì tới năm 2010, số lượng xe đạp chỉ còn 1 triệu chiếc, nhưng xe máy lại tăng lên tới 3 triệu chiếc.

Xe đạp biến mất rất nhanh tại HN và ngay cả những đồ án quy hoạch tương lai của TP cũng không còn dành ưu tiên cho loại hình phương tiện này. Theo tính toán của đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô đến năm 2020, tỉ phần xe đạp sẽ giảm dần từ mức 25% năm 2005 xuống còn 14% vào năm 2010 và 10% vào năm 2020. Trên thực tế, tình hình còn xấu hơn rất nhiều: Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị HN, đến năm 2009, xe đạp chỉ còn chiếm 2,8% tỉ phần giao thông trong TP. Những làn đường dành cho xe đạp vốn đã ít ỏi cũng đang dần bị xâm chiếm nốt trên các trục đường của TP. Di chuyển bằng xe đạp trở nên khó khăn và nguy hiểm...

Để phát triển một hệ thống giao thông đô thị bền vững, HN cần dành nhiều chính sách ưu tiên hơn cho xe đạp và người đi bộ, chia sẻ vai trò hợp lý với giao thông cá nhân, xe đạp đóng vai trò gom khách cho hệ thống vận tải khối lượng lớn. TP cần có những định hướng cụ thể nhằm tái phát triển lại xe đạp như: Đặt niềm tin vào xe đạp cho tương lai giao thông của thủ đô; lập quy hoạch hệ thống giao thông xanh cho TP, kết hợp đi bộ - xe đạp và giao thông công cộng; xây dựng hạ tầng giao thông tốt để đảm bảo sự an toàn và tiện lợi cho xe đạp lưu thông; giáo dục và cổ vũ cho xe đạp; tái phát triển ngành sản xuất xe đạp nội địa.                                                     

Tiếng Hà Nội có còn tồn tại?

“Tiếng Hà Nội có còn tồn tại hay không, nếu có thì nhận diện nó ra sao?” - với câu hỏi này, GS-TS Đinh Văn Đức đã phải mất rất nhiều công sức để tìm ra câu trả lời. Theo GS Đức, tiếng Hà Nội được mọi người hiểu một cách ước lệ như là ngôn ngữ của chốn thị thành trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX trở về trước... Tiếng HN được coi là thứ phương ngữ thanh tao, nhẹ nhàng của người Tràng An, một ốc đảo không xô bồ, phân biệt với ngôn ngữ của những chốn khác... Trải qua một tiến trình lịch sử dài, đến nay, khi Hà Nội trở thành nơi hội tụ của người dân khắp nơi, áp lực từ cơ cấu dân số làm cho ta có cảm giác "tiếng Hà Nội đã biến mất", rằng "đi đâu cũng chỉ thấy người nói tiếng ngoại tỉnh"...

Nhìn rộng ra, tiếng HN trong cảnh huống của ngôn ngữ quốc gia, đều đang đi cùng một quy luật: Ngôn ngữ của các đô thị đang biến đổi rất nhanh từ bối cảnh XH. Tiếng Sài Gòn nay cũng đã khác xưa rất nhiều qua sự xáo trộn cư dân hơn ba mươi năm. Chỉ có tiếng Huế dường như biến đổi có chậm hơn do tính chất “ốc đảo” của một đô thị tĩnh tại.

Tuy nhiên, xét về phương diện khoa học ngôn ngữ thì cái thực tế ấy lại chỉ nằm ở lớp trên, là bề nổi của các tiếp xúc XH của ngôn ngữ như một tất yếu của biến động cơ học dân cư. Cơ tầng phía dưới của tiếng Hà Nội: Ngôn ngữ trẻ em và thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này trước sau vẫn là nền tảng bền vững của tiếng HN hiện đại. Tất cả trẻ em từ mẫu giáo đến THPT sinh ra và lớn lên ở HN (nội thành) đều nói một thứ ngôn ngữ giống nhau. Nói theo ngôn ngữ học là chúng có chung cả ngữ năng và ngữ thi.

Cái ngôn ngữ ấy bố mẹ chúng không can thiệp, không hướng dẫn được, nó được tạo ra như một thiết chế XH tự nguyện của người bản địa. Cái ngôn ngữ ấy ngày một đông người nói hơn (trẻ em tăng lên không ngừng) và sẽ thay thế cho ngôn ngữ bề nổi của thế hệ trước (những người thuộc diện di dân). Khi quá trình di dân cơ học tạm ổn định, qua vài thế hệ, ngôn ngữ trẻ em Hà Nội sẽ trở thành tiếng HN ngày mới.

Vậy là ở Hà Nội hiện nay tiếng nói có hai lớp: Hạ tầng là ngôn ngữ trẻ em và thế hệ trẻ. Thượng tầng là ngôn ngữ của những người phi bản địa. Hạ tầng là cái quyết định.

Tiếng Hà Nội xưa thanh tao, lịch lãm (của 10 vạn dân) đã nhường chỗ cho tiếng HN mới khỏe khoắn, tự tin, giàu từ vựng hiện vẫn làm nòng cốt của một thứ ngôn ngữ đặc trưng, đại diện cho ngôn ngữ toàn dân với ít nhất là ngôn ngữ của hàng triệu trẻ em và thanh niên thủ đô.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.