Thận bị ứ nước có nên cắt bỏ?

15/09/2007 11:55 GMT+7

Hỏi: Con tôi năm nay được 10 tuổi, cách đây 7 năm cháu bị sỏi thận và đã được điều trị khỏi. Nay khi tôi đưa cháu đi khám định kỳ thì phát hiện ra cháu bị thận ứ nước độ 2, thận bên trái hư, thận bên phải vẫn đang hoạt động tốt. Chụp UIV và CT không phát hiện sỏi và dị vật, nghi ngờ là cháu bị bẩm sinh. Tôi muốn hỏi là có nên cắt thận bên trái của cháu không? (Tôn Thất Châu - Đà Nẵng)

Đáp: Nguyên nhân gây tình trạng thận ứ nước có nhiều, nhưng phổ biến nhhất là do sỏi niệu quản bít tắc làm hẹp đường tiểu, dẫn đến tình trạng ứ nước tiểu ngược dòng; hoặc do các dị dạng đường tiết niệu như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, hẹp niệu quản, niệu quản đôi…

Tuỳ thuộc vào tình trạng ứ nước ở độ nào, nguyên nhân và chức năng thận mà có phương pháp điều trị khác nhau, nhưng nói chung đặt vấn đề cắt thận là những trường hợp bất đắc dĩ và phải kiểm tra thật kỹ lưỡng nguyên nhân cũng như chức năng của thận còn lại.

Chỉ định cắt thận chỉ đặt ra khi thận bị ứ nước đó đã mất hoàn toàn chức năng, không còn hy vọng khả năng phục hồi và thận còn lại phải tốt. Khi thận mất chức năng có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng, đe dọa nhiễm trùng máu gây nguy hại tới tính mạng thì có thể phải cắt thận cấp cứu. Nhưng nhìn chung, chỉ định cắt thận phải được cân nhắc kỹ, bạn nên đến bệnh viên chuyên khoa về niệu để được khám và tư vấn. Phẫu thuật cắt thận cũng nên được tiến hành tại bệnh viện có máy chạy thận nhân tạo là tốt nhất.

Sau phẫu thuật, một thận còn lại vẫn có khả năng hoạt động bù trừ tốt, trong đa số các trường hợp hầu như không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và khả năng làm việc nói chung.

BS B.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.