Chất vấn về tình trạng vi phạm nghiêm trọng về môi trường

11/11/2008 15:32 GMT+7

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhận được 30 câu hỏi bằng văn bản của các đại biểu Quốc hội, trong đó có 24 câu tập trung vào tình trạng ô nhiễm môi trường, công tác quản lý nhà nước về môi trường, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng của Công ty Vedan...

Giật mình báo động ô nhiễm môi trường

Là người đặt câu hỏi đầu tiên và thực sự khó đối với Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên là có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm của Công ty Vedan, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đã được nhiều đại biểu ủng hộ, hưởng ứng.

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu Danh Út, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trình bày khá dài dòng về tình hình vi phạm của Công ty Vedan, trong đó nhấn mạnh việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp phép hoạt động cho 3 trong số 7 nhà máy của công ty này, 4 nhà máy còn lại do tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm...

Bộ trưởng cũng nêu lý do việc hệ thống thanh tra của Bộ và tỉnh không phát hiện ra Vedan vi phạm là do nếu không báo trước với công ty kế hoạch thanh tra sẽ không được vào khuôn viên công ty và việc báo trước kế hoạch thanh tra cũng đồng nghĩa với việc không thể phát hiện các sai phạm. Chính vì thế, trong suốt thời kỳ thanh tra, kiểm tra, Vedan đều đạt yêu cầu và xấp xỉ yêu cầu trong khi môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Vì vậy, ngay sau khi lực lượng Cảnh sát môi trường ra đời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ngay lập thức thông báo có bao nhiêu điểm nóng về môi trường, trong đó có Công ty Vedan. Nhờ đó, hàng loạt các sai phạm trầm trọng của công ty này đã được phát hiện ra.

Về trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ và tỉnh việc xử lý vi phạm của Vedan; Bộ và tỉnh Đồng Nai coi đây là bài học và đã tổ chức rút kinh nghiệm. Bộ đã “cố gắng tối đa trong theo dõi, xử lý vụ việc” nhưng do công ty che giấu một các tinh vi với hành vi cố ý có tổ chức. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyễn cũng viện dẫn Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định Bộ có trách nhiệm xử phạt hành chính và tỉnh không có quyền dừng hoạt động nhà máy.

Không đồng tình với cách giải thích “lòng vòng” và không rõ ràng của Bộ trưởng, đại biểu Danh Út tiếp tục “truy”: “Tại sao Vedan không bị đình chỉ hoạt động trong khi Bộ trưởng đã từng nói dứt khoát phải đình chỉ hoạt động của Vedan? Câu hỏi có ai bị xử lý chưa, Bộ trưởng cũng không trả lời”?. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định: “Vedan đã thực sự đóng cửa”, nhưng cũng giải trình thêm “Chức năng của Bộ là chỉ đến xử phạt hành chính thôi, không có chức năng đóng cửa...”.

Vẫn chưa hài lòng với các trả lời của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ và tỉnh Đồng Nai. Đại biểu Nga bức xúc: “Việc Bộ trưởng dẫn Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường cho rằng không có trách nhiệm thì oan cho Luật quá. Bộ trưởng cần nghiên cứu lại Điều 49”. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nga, Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm và giải trình rằng “Bộ đã cố gắng hết mình nhưng đối tượng tinh vi, phải nói là cố ý làm sai”, “Bộ cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm và phối hợp với tỉnh Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm, để khắc phục...”.

Tự tin trả lời câu hỏi tại sao có tới 70% khu công nghiệp và 90% doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn được cấp giấy phép hoạt động của đại biểu Danh Út dành cho Bộ trưởng Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định hiện nay không có chuyện các khu công nghiệp không có xử lý chất thải vẫn được cấp phép. “Khi cấp phép chúng tôi đều yêu cầu phải có báo cáo tác động môi trường, yêu cầu quy hoạch phát triển hạ tầng phải có hệ thống xử lý”, Bộ trưởng cho biết. Tuy nhiên việc có tới 70% khu công nghiệp vi phạm thì phải nhìn nhận khu công nghiệp trong cả một quá trình phát triển. Trước đây, chúng ta không đặt vấn đề môi trường quan trọng như bây giờ - không đặt đúng tầm cỡ của môi trường trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Những khu công nghiệp như khu công nghiệp Sông Công xây dựng từ những năm 70, Khu công nghiệp Thái Nguyên xây dựng từ những năm 50 - 60, khu công nghiệp Việt Trì và nhiều khu công nghiệp khác đều không có hệ thống xử lý nước thải và lúc đó chúng ta chỉ đặt vấn đề xử lý nước thải đối với những nhà máy thật độc hại như nhà máy Giấy Bãi Bằng. “Đến bây giờ chúng ta mới giật mình báo động là phải xử lý và từ đó chúng ta mới phải xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, cũng là muộn hơn so với các luật khác” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Sẽ tiến hành đánh giá tác động môi trường khi khai thác khoáng sản

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khi được hỏi về việc khai thác tài nguyên quặng bô-xít khu vực Tây Nguyên. Bộ trưởng cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, nước ta có khoảng 2,6 tỷ tấn bô-xít, trong đó tập trung ở Đắk Nông 1,5 tỷ tấn còn lại ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Định... Trong quy hoạch khai thác, Chính phủ đã quy hoạch theo từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng khó nhất là công tác môi trường như bùn thải trong quá trình khai thác, chế biến, việc bảo vệ thảm thực vật như thế nào... Bộ đã có hướng dẫn riêng về bảo vệ môi trường đối với khai thác bô-xít. Bộ trưởng cho biết sẽ không tiến hành khai thác bô-xít một cách ồ ạt, sẽ thực hiện đánh giá tác động môi trường rất cẩn thận.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản được tiến hành chặt chẽ từ cấp giấy phép thăm dò, sau đó đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động, sau đó mới cấp giấy phép khai thác... Tuy nhiên, do công tác giám sát tại một số địa phương có chỗ, có nơi vi phạm đã dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi. Về trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, Bộ trưởng cho biết, trước 2005, việc cấp phép chủ yếu do Bộ Tài nguyên Môi trường. Năm 2005, sau khi sửa đổi Luật Khoáng sản, Bộ chỉ quản lý chung và phân cấp việc cấp phép cho Chủ tịch UBND tỉnh. 3 năm trở lại đây đã cấp trên 3.000 giấy, thậm chí có tỉnh chia nhỏ mỏ ra để được cấp phép ngay, đã để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi ở một vài nơi. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hảnh Chỉ thị 26 yêu cầu các tỉnh rà soát lại việc cấp phép và công bố khu vực cấm khai thác. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm lập lại trật tự trong hoạt động khai thác khoảng sản.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.