Ba lần hòa giải

13/11/2009 09:51 GMT+7

Bà Angela Merkel là Thủ tướng Đức đầu tiên tham dự các nghi lễ kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến I tại Pháp (11.11) và việc này được coi là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với quan hệ giữa hai nước và nền chính trị nội bộ ở Đức. Người Pháp càng coi trọng ngày này bao nhiêu thì nó lại càng nhạy cảm về đối nội ở Đức bấy nhiêu vì ngày ấy luôn nhắc nhở người Đức về việc bại trận và sự thua thiệt muôn phần bởi Hiệp ước Versailles.

Hòa giải và quan hệ đặc biệt giữa Pháp và Đức là thông điệp chính trị và truyền thông chính của sự kiện này. Có hòa giải thì mới có thể xây dựng được mối quan hệ đặc biệt và  mới phát huy được hết tác dụng của cái gọi là "Trục Paris -Berlin" trong EU. Năm 1993, Pháp và Đức đã ký hiệp ước hợp tác, được coi là dấu mốc hòa giải đầu tiên. Năm 1996, Pháp và Đức hòa giải mối hiềm khích liên quan đến chiến tranh thế giới thứ hai. Và bây giờ là lần hòa giải thứ ba giữa hai nước.

Cả bà Merkel lẫn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đều có lợi ích thiết thân trong sự kiện nói trên. Sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực, EU sẽ được cải tổ sâu sắc về thể chế và quy trình quyết định. Khi đó, cả Đức lẫn Pháp đều không thể dễ dàng duy trì được vai trò và ảnh hưởng thuộc diện "ông to, bà lớn" trong liên minh nữa. Nhưng một khi hai đối tác này nói cùng tiếng nói, phối hợp ăn ý và hài hòa như tay phải đỡ tay trái thì họ lại có thể trở thành tác nhân quyền lực quan trọng. Rõ ràng cả hai chính khách này đều đã ý thức được rằng hòa giải mối thù xưa là quá trình liên tục chứ không phải chỉ cần qua sự kiện lịch sử là đã hoàn tất. Cho nên muốn hòa giải thật sự bền vững thì Pháp và Đức sẽ còn phải có nhiều lần bắt tay tiếp nữa.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.