Tâm nguyện của một nhà sư trẻ

10/11/2008 10:45 GMT+7

Công trình tọa lạc trên diện tích 1,2ha thuộc ấp Bình Hưng xã Bình Thạnh huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, khởi công từ tháng 2-2006 do Đại đức Thích Minh Bửu, trụ trì tịnh xá Ngọc Thạnh khởi xướng. Đến nay, một trong hai hạng mục chính là lò thiêu số 1 mới cơ bản hoàn thành, nhiều hạng mục khác đang chờ đợi sự góp sức của những tấm lòng, song trước yêu cầu bức thiết của nhân dân vùng lũ, hạ tuần tháng 7 âm lịch vừa qua, lò thiêu số 1 đã chính thức hoạt động.

Đại đức Thích Minh Bửu cho biết, mặc dù tỉnh có nhà hỏa táng từ thiện ở thị xã Sa Đéc, nhưng từ biên giới Hồng Ngự về Sa Đéc phải qua phà Cao Lãnh và gần 100km đường bộ nên dù biết sức mình hạn hẹp, sư vẫn quyết tâm làm, những mong khi công trình đủ duyên hoàn tất, người dân ở vùng sâu biên giới sẽ được hỏa táng thân nhân miễn phí.

Được biết, ngay sau khi lò thiêu số 1 cắt băng khánh thành,  con của một gia đình nghèo ở xã Láng Biển huyện Tháp Mười đã đưa thi hài cha mình là ông Nguyễn Văn Nêu, thọ 84 tuổi, đến xin hỏa táng. Một nhà sư ở Tháp Mười cho biết, mùa này nước đã tràn đồng nên họ không có chỗ chôn cất. Quả thật, có dịp về Đồng Tháp, tiếp xúc với người dân vùng sâu biên giới mới hiểu hết nỗi bức xúc và tâm nguyện thiết tha của nhà sư trẻ này.

Dọc quốc lộ 30, đoạn từ Đồng Tháp đổ về biên giới Tây Nam, những ngôi mộ nằm san sát nhà dân. “Nhà” người chết cũng mặt tiền tươm tất như nhà người sống. Song nét đặc trưng ấy chỉ tập trung ở một số ít gia đình khá giả có đất đai và tài chính. Càng về ngoại ô vắng vẻ, những ngôi mộ rải rác dưới đồng sâu heo hút càng làm chúng ta chạnh lòng. Nhà sư cũng đã nhiều lần trăn trở khi đi hộ niệm, trợ giúp tang gia, nhất là những đám tang nghèo vào mùa lũ trầm kha, nước tràn đồng nên thân nhân phải “xóc chéo” (gác quan tài trên 4 cây bắc chéo ở hai đầu) để quan tài tạm thời chờ nước rút.

Hồng Ngự là huyện đầu nguồn đón lũ hàng năm từ Biển Hồ Campuchia đổ về, đa số nhà dân là nhà sàn chênh vênh cặp theo mé lộ, nơi ngập sâu nhất khoảng 3,5m. Nước trắng đồng, dân bơi xuồng giăng câu kiếm cá, nhiều lúc neo xuồng nghỉ ngơi dưới tàng cây, họ chợt lạnh người khi bắt gặp đây đó những chiếc quan tài vắt vẻo phía trên đầu. m dương ngụp lặn gieo neo!

Tập tục “gác chéo” lâu nay đã làm nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Yêu cầu về môi trường, tiết kiệm phí mai táng và nhu cầu siêu thoát tâm linh là bức thiết, song tiến độ công trình phải tùy thuộc vào sự đóng góp từ các nguồn. Hiện tại, 30% diện tích mặt bằng đã được nâng nền 4,5m từ đất ruộng lên mặt đường. Riêng nhà tang lễ, nhà lưu cốt, nhà bảo vệ, trại hòm thí, kho chứa chất đốt, khu vệ sinh… là những hạng mục chưa có kinh phí xây dựng. Chị Võ Thị Phát, phật tử ở thị trấn Hồng Ngự, bộc bạch: “Dù chưa hoàn mãn, nhưng tôi mừng rơi nước mắt khi thấy sư đã tiến hành được những bước đầu tiên.

Đó là có được 1,2ha đất do phật tử hiến cúng và một lò thiêu.” Riêng chị thì ngoài việc cúng dường cá nhân, chị còn vận động bạn bè ở TPHCM đóng góp và thỉnh thoảng chở rau cải về trợ tiếp thức ăn cho anh em thợ. Cô Đặng Thị Tòng, một nông dân ở huyện lân cận Tam Nông, tâm sự: “Mùa lũ ở đây chôn cất khổ lắm! Sư làm được lò thiêu thì công đức biết bao. Tụi tui nghèo quá, cầu mong cô bác phát tâm ủng hộ”.

Mùa lũ 2008 lại về, hình ảnh người chết được “xóc chéo” chờ nước rút lại làm tâm tư người con của Phật trăn trở. Mong sự nhiệt tình góp sức của các nhà thiện nguyện gần xa sẽ góp phần làm cho công trình từ thiện ở một huyện nghèo vùng sâu biên giới sớm thành hiện thực.

Theo Thanh Tuyền / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.