Trung Quốc xóa giàu - nghèo

18/11/2008 14:06 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang bị phủ bóng đen bởi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.

Báo cáo mới công bố hôm 16-11 của Viện Nghiên cứu cải cách và phát triển Trung Quốc do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cùng một số cơ quan nghiên cứu cho thấy mức độ phát triển ở Bắc Kinh, Thượng Hải tương đương với các nước như Bồ Đào Nha, Cyprus ở châu u trong khi các tỉnh nghèo như Quý Châu thì mới chỉ tương đương các nước châu Phi như Botswana và Namibia. Báo cáo về phát triển con người này nói tình trạng bất bình đẳng sẽ làm giảm sức tiêu thụ hàng hóa và sản lượng sản xuất của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng giảm dần

“Khoảng cách giàu nghèo xuất hiện trong giai đoạn tăng trưởng nhanh đã mở rộng tới mức trở thành vật cản đối với phát triển - bản báo cáo cho biết - Khi vai trò sản xuất chủ yếu dựa vào lao động và thu nhập thấp giảm thì đầu tư vào các dịch vụ công cơ bản sẽ là nền tảng để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững”. Theo Reuters, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào dịch vụ công có thể giúp kích thích nền kinh tế tốt hơn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Ví dụ, mỗi nhân dân tệ (NDT) đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở nông thôn có thể thu lại 8,43 NDT trong sản xuất nông sản và chăn nuôi. Con số gia tăng này cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng là khoảng 6,75 NDT.

Bản báo cáo được công bố chỉ một tuần sau khi Trung Quốc đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỉ NDT (khoảng 590 tỉ USD) trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc đã có năm quý liên tiếp có tốc độ tăng trưởng giảm dần.

“Các bạn có cơ hội để làm đúng trong khi vẫn đối phó được với cuộc khủng hoảng kinh tế - ông Khalid Malik, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc ở Trung Quốc, phân tích - Việc tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng”. Chỉ trong vòng nửa đầu năm nay đã có hơn 67.000 xí nghiệp ở các tỉnh thành của Trung Quốc phải đóng cửa do nhu cầu về hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế giảm. Điều này khiến chính quyền trung ương có những khó khăn nhất định trong việc chi trả những khoản trợ cấp thất nghiệp cho hàng ngàn công nhân buộc phải nghỉ việc.

Dù nhìn nhận còn nhiều bất bình đẳng, các nhà nghiên cứu đánh giá Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và sức khỏe của người dân. Từ năm 1990-2005, Trung Quốc đã nhảy từ bậc 101 lên 81 trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) toàn cầu. Tỉ lệ dân nghèo ở nông thôn đã giảm từ 30,7% năm 1978 xuống chỉ còn 1,6% trong năm 2007. Các tiến bộ trong chăm sóc y tế của Trung Quốc “vượt xa trung bình của các nước đang phát triển”. Tuy vậy, ngay những phát triển này cũng không đồng đều.

Ở khu vực vùng núi Tây Tạng, chỉ số HDI chỉ đạt 0,616 trong khi Thượng Hải đạt tới 0,911. Sự chênh lệch về chăm sóc y tế có thể thấy rõ khi tuổi thọ của người dân ở Quý Châu kém người Bắc Kinh khoảng 10 năm, tỉ lệ trẻ tử vong ở Thanh Hải cao gấp bảy lần so với ở thủ đô hay tỉ lệ mù chữ ở tỉnh Cam Túc cao gấp năm lần so với trung bình cả nước. Trên lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu cho thấy chi phí dành cho một sinh viên ở Thượng Hải cao gấp 10 lần so với một sinh viên ở vùng nông thôn như tỉnh Hà Nam.

Thu nhập: thành thị gấp ba lần nông thôn

Năm 2005, con số thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho thấy 10% người giàu nhất Trung Quốc đang nắm tới 45% tài sản quốc gia trong khi 10% nghèo nhất chỉ sở hữu 1,4%. Trung bình một người dân thành thị thu nhập gấp ba lần so với người dân nông thôn. Lý do cho sự bất bình đẳng này, theo giáo sư Lư Minh thuộc ĐH Phúc Đán, là chính sách hộ khẩu nhằm hạn chế sự dịch chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác. Hàng triệu người lao động nhập cư từ các tỉnh khi tới thành phố do vậy bị mất cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ về y tế và bảo hiểm xã hội.

Để giải quyết tình trạng này, trong kế hoạch kích thích kinh tế mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua danh sách một loạt dự án cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời nâng trợ cấp cho nông dân và hỗ trợ dân nghèo. Một dự án tham vọng nữa là mở rộng hệ thống lương hưu cho 730 triệu nông dân.

Kế hoạch này, theo vụ trưởng Vụ Bảo hiểm nông thôn thuộc Bộ Nhân lực và an sinh xã hội Triệu Điển Quốc, sẽ bảo đảm chi trả lương hưu cho khoảng 60% nông dân vào năm 2010 và 80% vào năm 2015. Hệ thống lương hưu mới này hiện đã được thí điểm trên 300 huyện ở Trung Quốc. “Hệ thống lương không đủ để giải quyết các bất ổn xã hội nhưng có thể kích thích cho tiêu dùng tốt hơn - ông Triệu nói - Người dân nông thôn cảm thấy an tâm hơn thì họ sẽ chi tiêu nhiều hơn”.

Theo Thanh Tuấn / Tuổi Trẻ

Nhiều người Mỹ lâm vào tình trạng phá sản

Đôi vợ chồng Tony và Carrie Forsyth, cùng 30 tuổi, chuyển đến Tamarac, bang Florida từ năm 2006. Có hai con gái nhỏ, họ thường phải dùng thẻ tín dụng để mua thực phẩm, quần áo và nhiều vật dụng khác cho gia đình. Cho đến ngày nợ ngân hàng của họ đã lên đến 20.000 USD, họ nhận ra rằng nộp đơn bảo hộ phá sản là cách duy nhất để giữ lại ngôi nhà họ mua năm 2006 với giá 220.000 USD từ tiền vay thế chấp ngân hàng. Theo luật phá sản, gia đình Forsyth được giữ lại ngôi nhà và cam kết phải trả nợ trong vòng ba năm.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại Mỹ đang đẩy ngày càng nhiều gia đình lâm vào cảnh phá sản với số tiền nợ cao như núi. Theo nguồn tin của các công ty quản lý dữ liệu phá sản, trong tháng mười số đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ tăng gần 8% so với tháng chín, lên đến 108.595 đơn, lần đầu tiên vượt mức 100.000 kể từ khi luật phá sản mới có hiệu lực từ năm 2005. Con số này tương đương với gần 5.000 đơn phá sản mỗi ngày trong tháng mười, tăng gần 34% so với tháng 10-2007. Các khảo sát gần đây cho thấy những người phải nộp đơn bảo hộ phá sản thường ngập trong các loại nợ không có thế chấp như nợ thẻ tín dụng, tiền hóa đơn thanh toán dịch vụ điện nước, y tế...

“Với việc các ngân hàng siết chặt tín dụng tiêu dùng và nền kinh tế tụt dốc, đây mới là bước khởi đầu của sự gia tăng số lượng người phá sản lên đến mức cao hơn cả trước khi luật phá sản 2005 được thông qua” - giáo sư luật Robert Lawless thuộc Trường luật ĐH Illinois nhận định.

H.Trung (Theo IHT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.