Đầu tư dài hạn và đầu tư "lướt sóng"

06/11/2007 00:51 GMT+7

Dù đầu tư dài hạn hay đầu tư "lướt sóng" cũng đều là đầu tư. Mà đã đầu tư thì đối với kinh tế thị trường đều rất đáng hoan nghênh. Bởi vì đồng tiền không tham gia vào đầu tư, vào lưu thông chỉ là đồng tiền chết. Chỉ có đầu tư mới làm được việc "tiền đẻ ra tiền".

Phải giải thích như vậy bởi hiện nay có ý kiến cho rằng đầu tư dài hạn mới được coi là đầu tư, mới phù hợp với mục tiêu chung của thị trường chứng khoán, mới đáng hoan nghênh và trên thực tế đầu tư dài hạn cũng thu được lợi nhuận mà không thị trường nào sánh kịp. Một bằng chứng khi so chỉ số giá chứng khoán trên sàn TP.HCM (VN-Index), nếu bỏ qua các thời điểm bị "rơi" hiện nay qua các thời điểm trước đây vẫn còn cao hơn nhiều so với chỉ số giá tiêu dùng, giá USD. Khi thị trường mới ra đời, VN-Index mới có 100 điểm, sau một thời gian vọt lên, rơi xuống, đến cuối năm 2005 đã đạt gần 300 điểm, đến cuối năm 2006 đạt 751 điểm và hiện nay đạt trên dưới 1.100 điểm.

VN-Index hiện nay so với thị trường chứng khoán mới ra đời đã gấp 11 lần, tạm tính 7 năm qua, giá chứng khoán chung đã tăng hơn 40%/năm, trong khi trong thời gian tương ứng, giá tiêu dùng mới gấp 1,5 lần, bình quân 1 năm tăng 5,9%, giá vàng gấp 2,8 lần, bình quân 1 năm tăng 15,9%; giá USD mới gấp trên 1,1 lần, bình quân 1 năm tăng chưa đến 1,6%; giá bất động sản gấp khoảng 3 lần, bình quân 1 năm tăng 17%. Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng chung của giá chứng khoán trên địa bàn TP.HCM đầu tư dài hạn trong 7 năm qua đã cao hơn tất cả tốc độ tăng giá trên các loại thị trường khác, kể cả thị trường vàng (nóng sốt liên tục trong 7 năm qua), thị trường bất động sản (đã qua một cơn sốt năm 2001-2002 và một nửa cơn sốt trong năm nay).

Các nhà đầu tư "lướt sóng" thường bị coi là các nhà đầu cơ, chẳng những không được tôn vinh như các nhà đầu tư dài hạn, mà còn bị "ghép" cho "tội" là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá chứng khoán lúc lên, lúc xuống theo hình "răng cưa". Thực ra, sự lên xuống của chỉ số giá chứng khoán là diễn biến bình thường của thị trường chứng khoán mới phát triển còn đang nhỏ bé của nước ta.

Hơn thế nữa, nếu không có sự tham gia của các nhà đầu tư "lướt sóng" thì làm gì có sự lên xuống chỉ số giá chứng khoán, làm gì có sự "hấp dẫn" các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi giá lên sẽ có tác động kéo các nhà đầu tư nhỏ lẻ trở lại; còn khi giá xuống cũng sẽ có tác dụng kiềm chế bớt tình trạng đầu tư bằng mọi giá (cầm cố tài sản, vay lãi suất cao).

Trong điều kiện chỉ số giá chứng khoán lúc lên, lúc xuống như hiện nay thì đầu tư dài hạn và đầu tư theo kiểu "lướt sóng", kiểu nào có lợi hơn?

Đầu tư dài hạn thì kỳ vọng ở sự phát triển của thị trường nói chung và đặc biệt là của công ty niêm yết mà mình đã đầu tư nói riêng. Đầu tư theo kiểu này đỡ "đau đầu" hơn, nhàn thân hơn và đầu tư dài hạn đã thu được lợi nhuận không nhỏ, nhất là vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Tuy nhiên, rất khó thu được lợi nhuận lớn, thường chỉ đạt lợi nhuận bình quân, bởi tốc độ tăng giá của các loại chứng khoán cao, thấp rất khác nhau, trong khi loại này tăng thì loại kia bị giảm.

Đầu tư theo kiểu "lướt sóng" phải mất nhiều công sức theo dõi cập nhật thông tin không chỉ chung của cả thị trường mà của từng mã chứng khoán, phân tích, dự đoán về triển vọng đầu tư; khi có dấu hiệu chững lại thì kịp bán ra để chuyển sang mã chứng khoán khác đang có triển vọng tăng giá... Cứ như thế, nhà đầu tư sẽ tìm cách thu được lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư "lướt sóng" nào cũng thu được lợi nhuận lớn bởi không thể xác định được lúc nào giá tăng, lúc nào giá giảm, lúc nào đạt "đỉnh" và sang dốc bên kia; ngay cả khi sang dốc bên kia rồi thì giá sẽ "lăn" hay "rơi", lúc nào ở mức “đáy” để mua vào. Cũng chính vì thế, không phải nhà đầu tư nào "lướt sóng" cũng thu được lợi nhuận, thậm chí do dự đoán và xác định nhầm "đáy" để mua vào nhưng không ngờ giá còn xuống thấp nữa, hay dự đoán và xác định nhầm "đỉnh" nên đã bán ra (bị hớ); hoặc thắng ít ở mã này lại thua nhiều ở mã kia...

Nói gì thì nói, những nhà đầu tư "lướt sóng" là những nhà đầu tư trình độ cao. Có những người không chỉ đầu tư "lướt sóng" trên thị trường chứng khoán mà "lướt sóng" ở các loại thị trường, nhờ vậy mà đã nhanh chóng biến thành các "đại gia". Các "đại gia" này xuất hiện qua cơn sốt nhà đất lần thứ nhất (1993-1994) rồi lần thứ hai (cuối năm 2006, đầu năm 2007) và đang chờ một cơn sốt nhà đất lần thứ ba tới đây! Đó cũng là "lướt sóng" - lướt sóng kiểu "đại gia" với vốn lớn và trình độ thương trường cũng lớn.

Chúng ta đang tôn vinh đội ngũ doanh nhân nói chung, vì lẽ đó không thể không khâm phục các "đại gia" này.

N.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.