Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: Tác phẩm hay là “lên dây cót” cho bạn đọc!

26/09/2006 21:54 GMT+7

Hiện tượng cơn sốt Rừng Na Uy của nhà văn Haruki Murakami (Nhật Bản) với bạn đọc đã khiến công ty Nhã Nam vừa tung ra tác phẩm thứ 2 của ông Biên niên ký chim vặn dây cót qua bản dịch của dịch giả trẻ Trần Tiễn Cao Đăng. Đây là cuốn sách được giới đánh giá là "văn chương lớn", "bộc lộ đầy đủ tất cả sự đồ sộ và phức tạp", chứng minh tài năng đỉnh cao của nhà văn, dày hơn 800 trang. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.

* Là một người "uống tận nguồn" tiểu thuyết Murakami và nhiều tác phẩm khác, khi dịch anh đảm bảo lột tả được bao nhiêu phần trăm nguyên tác?

- Mọi người dịch có tự trọng đều biết rõ rằng không thể đánh đồng bản dịch với nguyên tác. Qua bản dịch, chắc chắn có một cái gì đó mất đi. Với văn của Murakami, điều đó có lẽ dễ đạt được hơn so với văn của Kawabata Yasunari, Oe Kenzaburo hay kịch Noh Nhật Bản chẳng hạn, vì Murakami "toàn cầu hóa" hơn, nếu có thể nói vậy.

* Những thú vị nào theo anh là đặc sắc của Murakami đã chinh phục bạn đọc VN và thế giới?

- Sự đặc sắc của Murakami, theo tôi, có thể nói ngắn gọn là "rất hấp dẫn đồng thời thật sâu sắc". Jay Rubin, giáo sư văn học Nhật Bản, người dịch Biên niên ký chim vặn dây cót ra tiếng Anh, đã gọi Murakami là âm nhạc của ngôn từ. Nếu chịu khó tìm trên Google, ta có thể tìm thấy nhiều bài phê bình, nghiên cứu rất có giá trị về tác phẩm của ông.

Bìa cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót vừa phát hành

* Anh cũng là người đã "can đảm" mở màn cuộc tranh luận về dịch văn học khá tăm tiếng và... tai tiếng. Liệu từ đây, dịch thuật sẽ có những thay đổi?

- Hiển nhiên tôi không có đủ thời gian để theo dõi tất cả các bản dịch trên thị trường, dù chỉ khoanh gọn ở bản dịch văn chương đi nữa. Tuy nhiên, tôi không hề có ảo tưởng rằng "sự kiện thảm họa dịch thuật" có thể làm thay đổi tình hình dịch thuật ở nước ta. Để làm trong sạch hóa tình hình dịch thuật, nỗ lực của một số cá nhân không đủ. Chúng ta cần một sự cải tổ cơ chế. Cần thiết ở chỗ, những tranh luận thực sự phải lên được "dây cót" giữa nhà văn, người dịch - cầu nối và bạn đọc. Để từ đây, bạn đọc là người có lợi nhất bởi khi đọc những tác phẩm đích thực họ sẽ được "lên dây cót" về mặt tâm hồn.

* Từ hiện tượng Murakami, dưới góc độ người dịch và viết truyện ngắn, anh có thể cho biết những thiếu vắng nào trên trang viết hiện nay của nhà văn trẻ? Để có độc giả hơn, cần nỗ lực gì?

- Với tư cách người viết, tôi học được rất nhiều từ các nhà văn như Murakami. Thú thật, tôi ít đọc các nhà văn trẻ hiện nay. Vì công việc và chuyên môn, tôi quan tâm đến văn chương các nước khác nhiều hơn. Và, tôi đồng ý với anh, dĩ nhiên, có nhiều độc giả luôn là nỗi băn khoăn của mỗi người viết. Tôi không tin lắm ở một số người viết mạnh mồm tuyên bố mình không cần độc giả. Điều họ nói ra không nhất thiết cũng là điều họ nghĩ và cái họ muốn. Cá nhân tôi đang có những nỗ lực để nâng cao tầm vóc tác phẩm của mình đồng thời nâng cao tầm vóc của người đọc.

Đông Dương
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.